Diện mạo mới của thương mại - dịch vụ

04/05/2018 | 09:43 GMT+7

Dáng dấp chợ nông thôn ở Hậu Giang gần đây có nhiều đổi khác với việc định hình phong cách thương mại hiện đại, nhờ đó mà giá trị khu vực III ổn định và tăng trưởng mạnh.

Cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh liên tục được đầu tư, hoàn thiện theo hướng văn minh, hiện đại.

Đi vòng qua các ki-ốt còn mùi nước sơn vừa mới quét mới cảm nhận hết niềm vui của tiểu thương ở Trung tâm thương mại Cây Dương sau bao năm chờ đợi. Họ bắt đầu nói với nhau nhiều về chỗ bán mới khang trang mà từ lâu họ vẫn không dám mơ ước.

Là điểm tập trung lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, chợ Cây Dương có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phụng Hiệp. Trước đây, về chợ Cây Dương ai cũng ngán ngẩm với cảnh ngoài đường nước, bên trong thì ẩm ướt. Tiểu thương vất vả chờ đợi chợ mới hơn 10 năm. Bà Trần Thị Trang, tiểu thương ở Trung tâm thương mại Cây Dương, cho biết: “Đã hơn 10 năm rồi mới được vô chợ mới xây. Chợ cũ nhếch nhác quá, nhiều lúc bà con muốn đi chợ mua sắm cũng rất e ngại. Giờ chuyển vào chợ mới khang trang, sạch sẽ, lại không có hàng quán lấn chiếm lề đường nên ai cũng thấy thuận tiện hơn”.

Trước năm 2014, do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất của hầu hết các chợ, công trình phụ trợ bị xuống cấp nghiêm trọng, hiệu suất sử dụng không cao. Ở nhiều chợ, các khu thu gom rác thải, hệ thống xử lý nước thải không được đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt là hầu hết các chợ chưa trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Từ khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỉnh rất quan tâm đến tiêu chí chợ nông thôn, xem đây là bước đột phá quan trọng, có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong và ngoài địa bàn thông thương, trao đổi hàng hóa.

Tại chợ Ngã Bảy, không khí buôn bán của các tiểu thương tấp nập hơn hẳn, bởi đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Năm nay, hàng trăm tiểu thương đã an tâm hơn sau nhiều năm sống trong lo lắng vì tương lai của khu chợ lâu đời này đã rõ ràng sau quyết định đầu tư của Công ty CP Đầu tư Xây lắp Miền Nam.

Tại một góc nhỏ của nhà lồng chợ cá thuộc chợ Ngã Bảy, dù đã ở thời điểm cuối ngày nhưng sạp bán hàng thủy sản phơi khô của chị Làn vẫn đang tất bật đón tiếp khách mua hàng. Vừa bán, vừa cười, chị Đỗ Thị Kim Làn, chủ sạp cho hay dù mệt nhưng đối với người buôn bán đông khách bao giờ cũng vui.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 chợ đang hoạt động nằm trong quy hoạch. Trong đó có 28 chợ do 24 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã đầu tư và quản lý, chiếm 38,88%, 44 chợ do nhà nước đầu tư nâng cấp, cải tạo và quản lý, chiếm tỷ lệ 61,12%. Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, trải qua 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã thực hiện đầu tư mới, nâng cấp cho nhiều chợ. Tính đến cuối năm 2017 đã có 39/54 xã đạt tiêu chí số 7 về nông thôn mới, đạt tỷ lệ 72,2%. Tính từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng, nâng cấp cải tạo chợ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 161 tỉ đồng. Dù mức độ đầu tư chưa đáp ứng kịp tốc độ, nhu cầu thực tế nhưng con số này quả thật nói lên rất nhiều về sự nỗ lực của tỉnh trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn. Ở lĩnh vực thương mại hiện đại những năm gần đây để lại dấu ấn với sự góp mặt của rất nhiều siêu thị quy mô lớn đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần làm chuyển biến đáng kể về nhận thức, văn minh thương mại, thói quen mua sắm của người dân.

Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chủ trương thu hút, kêu gọi, xã hội hóa đầu tư mạnh vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Kết quả là hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị được đầu tư xây dựng như siêu thị Điện máy Chợ Lớn, Điện máy Xanh… với đa dạng dịch vụ mua sắm. Cùng với đó, trung tâm thương mại đa dịch vụ được đầu tư xây dựng như tổ hợp Trung tâm thương mại - Nhà ở của Tập đoàn VinGroup. Hạ tầng thương mại phát triển kéo theo hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú, với đủ chủng loại từ bình dân cho đến cao cấp. Hậu Giang đang từng bước chuyển mình trở thành điểm đến hấp dẫn của các thương nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Khi hệ thống thương mại vững chắc sẽ đảm bảo vai trò tiêu thụ hàng hóa cho người dân, do đó phát triển chợ là giải bài toán nông nghiệp nông thôn. Nhất là chợ nông thôn sẽ góp phần tạo việc làm, thu nhập để hỗ trợ lại cho nông nghiệp. Hạ tầng thương mại phát triển còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng được thị phần của mình, nhất là đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn ngày càng nhiều hơn. Cùng với chợ, hệ thống cửa hàng thương mại ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng đang từng bước được khôi phục và lấy lại vị thế trong việc thực hiện mục tiêu góp phần cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng xác định tăng cường kêu gọi đầu tư, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là mạng lưới chợ, các dịch vụ vận chuyển, thông tin… Kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, tạo thành mạng lưới phân phối hàng hóa và cung ứng dịch vụ đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Có chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản và xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ nông sản...

 

Bài, ảnh: ĐĂNG TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>