Dạy nghề đã có đầu ra

14/07/2017 | 07:43 GMT+7

Việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ là hướng đi đúng đắn, được các ngành, các cấp và địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Lớp may công nghiệp ở xã Nhơn Nghĩa A đào tạo theo nhu cầu của Công ty TNHH Lạc Tỷ II.

Được nhận vào may tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II, chị Nguyễn Thị Hương, ở ấp Nhơn Ninh, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, hết sức phấn khởi. Chị Hương chia sẻ: “Trước giờ, tôi chỉ ở nhà chăm sóc con cái và lo chuyện gia đình. Nay được vào làm công ty gần nhà, có thêm thu nhập tôi mừng lắm”. Hoàn cảnh chị Hương khó khăn, chồng chị đi làm hồ, mỗi ngày cũng được trên 100.000 đồng, trong khi phải lo cho 2 con trong độ tuổi ăn học. Cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Cho nên, khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A phối hợp cùng địa phương mở lớp dạy may và cho hay sau khi học xong sẽ được Công ty TNHH Lạc Tỷ II nhận vào làm, chị liền đăng ký học nghề. “Chỉ sợ học nghề xong không có việc làm thì mình còn ngại, chứ có đầu ra như vầy người lao động chúng tôi mừng lắm. Đến nay, tôi đã vào công ty làm được nửa tháng rồi”, chị Hương bộc bạch.

Trong năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A ký hợp đồng cung ứng 200 lao động được đào tạo nghề may công nghiệp cho Công ty TNHH Lạc Tỷ II. Đến nay, địa phương đã khai giảng được 4 lớp, với 100 học viên theo học. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên làm việc với các công ty, doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, phối hợp, đào tạo những nghề đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Từ sự phối hợp này, một mặt chất lượng đào tạo của trung tâm được nâng cao do doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, mặt khác, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc...”.

Đào tạo nghề gắn kết với nhu cầu của các doanh nghiệp hiện là hình thức đào tạo mà các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hướng tới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, người lao động có được tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, bắt kịp nhu cầu của xã hội. Còn doanh nghiệp tuyển được người lao động có tay nghề, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc. Chị Ngô Thị Út, bộ phận nhân sự Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cho biết: “Nhìn chung, lao động khi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu của công ty và làm việc nghiêm túc. Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với đơn vị để đào tạo thêm nhiều lao động”. Được biết, trong năm 2017, Công ty TNHH Lạc Tỷ II cần tuyển trên 5.000 lao động.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, ngay từ đầu năm 2017, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã rà soát thị trường lao động, cập nhật thông tin cung - cầu lao động, đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tạo việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2017, tỉnh dự kiến đào tạo nghề cho trên 5.200 lao động nông thôn, trong đó, nghề nông nghiệp chiếm 25%, nghề phi nông nghiệp chiếm 75%. Hiện nay, tỉnh đã ký hợp đồng đào tạo nghề may công nghiệp với Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang...

Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, đồng thời, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Do vậy, trong năm 2017, tỉnh sẽ ưu tiên mở các lớp dạy nghề theo địa chỉ, đào tạo những nghề mà sản phẩm được doanh nghiệp thu mua, bao tiêu. Trên cơ sở đó, không những giúp người dân sống được với nghề đã học, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh…”.

Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 55.102 lao động. Trong đó, đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề là 3.668 lao động; sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng và đào tạo nghề từ các chương trình, dự án khác là 51.434 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 22,32%. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề là 69%. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, trong giai đoạn (2015-2020), tỉnh thực hiện đạt 50% tỷ lệ lao động qua đào tạo; giải quyết việc làm cho 75.000 lao động, tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm khi thực hiện chỉ tiêu này.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>