Chăm lo cho giáo dục vùng sâu

24/02/2017 | 07:58 GMT+7

Giáo dục ở vùng sâu, vùng khó khăn bây giờ khác lắm, mạng lưới trường lớp dần hoàn thiện, chất lượng giảng dạy được nâng cao và học sinh khó khăn vẫn nuôi được ước mơ con chữ đến trường... Đó là cả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang, cùng nhân dân và các mạnh thường quân xa gần cho giáo dục vùng sâu !

Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã được quan tâm đầu tư xây dựng thêm các phòng học mới.

Trường lớp “thay áo mới”

Ven con đường nông thôn nhỏ, chúng tôi tìm về Trường THCS Lương Nghĩa, xã Lương Nghĩa, một trong những ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Long Mỹ. Năm học 2016-2017, tổng số học sinh của trường là 604 em. Trong đó, có 189 học sinh nghèo và 26 em cận nghèo. Ông Đinh Quang Nghị, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Trường nằm ở khu vực nông thôn lại là vùng có đông đồng bào dân tộc nên cũng còn nhiều khó khăn lắm. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cuối năm học 2015-2016 trường đã được đầu tư 3 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa 5 phòng và xây dựng mới thêm 3 phòng cùng một số công trình phụ trợ khác”. Bên cạnh đó, học sinh ở đây cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ về điều kiện học tập như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng…

Trước đây, Trường THCS Lương Nghĩa chỉ là ngôi trường nhỏ nằm ở vùng sâu. Do trường, lớp được xây dựng khá lâu nên theo thời gian đã xuống cấp nặng, lại thiếu các phòng chức năng để phục vụ giảng dạy. Đặc biệt, trường là nơi tập trung đông con em đồng bào dân tộc Khmer theo học, đời sống còn nhiều khó khăn, nên khi được học trong trường mới ai cũng thấy hài lòng.

Cũng nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Long Mỹ, niềm mong mỏi của thầy và trò Trường Tiểu học Lương Nghĩa 1, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã sắp được hoàn thành. Trong năm 2017 này, trường sẽ được đầu tư xây dựng lại cơ sở vật chất mới để đáp ứng nhu cầu dạy và học, cũng như hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Ông Võ Văn Qui, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Biết trường sắp được đầu tư để xây dựng lại cơ sở vật chất mới, thầy và trò ở đây ai cũng thấy phấn khởi hết. Trước giờ, do trường không có đủ phòng học nên các em chưa thể học 2 buổi/ngày như những trường khác được. Bên cạnh đó, do học sinh của trường chủ yếu sống ở các khu vực nông thôn, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, nên vận động các em đến lớp cũng khó lắm, hy vọng khi có trường mới, chuyện học hành sẽ tốt hơn”.

Còn Trường Tiểu học Hòa An 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, trước đây cũng còn nhiều khó khăn, nhưng giờ đây đã thay đổi. Chỉ tay về những dãy phòng vừa được xây dựng xong còn vươn mùi sơn mới, ông Sầm Triệu, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Thường hàng năm, nhà trường đều sửa chữa nhỏ để phục vụ nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, do trường được xây dựng khá lâu nên hiện cơ sở vật chất đã xuống cấp. Đầu năm học 2016-2017, trường đã được xây dựng thêm 11 phòng mới cùng một số hạng mục công trình khác. Nhờ có các chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của huyện và các cấp, các ngành, mấy năm nay trường không có học sinh nào bỏ học, chúng tôi mừng lắm”. Chỉ tính trong năm 2016, ở xã Hòa An, xã đặc biệt khó khăn của huyện Phụng Hiệp, đã được đầu tư hơn 9,4 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới cơ sở vật chất ở Trường Tiểu học Hòa An 1, Trường Mẫu giáo Hòa An, Trường Mẫu giáo Hương Sen…

Học sinh vùng sâu được quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Các em không chỉ được hỗ trợ chi phí học tập, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mà còn được hỗ trợ gạo. Em Trần Yến Nhung, học sinh lớp 2A1, Trường Tiểu học Lương Nghĩa 1, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Do nhà em cách xa trường hơn 4km, nên mỗi tháng em đều được nhận hỗ trợ gạo. Nhờ đó, ông bà em ở nhà không phải mua gạo ăn hàng ngày nữa”. Cấp tiểu học các em sẽ được hỗ trợ 15kg/tháng khi nhà cách xa trường từ 4km trở lên, còn đối với học sinh cấp THCS các em cũng được hỗ trợ tương tự, nhưng điều kiện là nhà các em phải cách xa trường từ 7km trở lên.

Từng bước nâng cao chất lượng

Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, giáo dục vùng sâu khởi sắc còn phải kể đến sự quan tâm của các phụ huynh nơi đây. Tuy còn nhiều khó khăn về đời sống, nhưng phụ huynh ở những vùng còn nhiều khó khăn cũng luôn đồng hành cùng các trường để chăm lo cho các em như đóng góp để hỗ trợ học sinh nghèo hay thực hiện mô hình phụ huynh mang cơm trưa đến lớp cho trẻ…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 xã của 2 huyện được xem là đặc biệt khó khăn: xã Lương nghĩa và xã Xà Phiên của huyện Long Mỹ; xã Hòa An và xã Tân Bình của huyện Phụng Hiệp. Bên cạnh đó, theo Quyết định 582/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc cũng đã phê duyệt tỉnh Hậu Giang có 12 ấp, khu vực của 8 xã, phường ở các huyện, thành phố được xem là ấp, khu vực đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, trường lớp ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đã được đầu tư ngày càng được khang trang hơn. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ: “Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm đến công tác chăm lo cho giáo dục ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn rất nhiều. Vì vậy, khoảng cách về chất lượng đang được ngày càng rút ngắn lại”. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đã có hơn 243 tỉ đồng được đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới trường lớp ở các huyện, thị, thành trong tỉnh, trong đó số đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn cũng đáng kể.

Cùng với hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp ngày càng được tăng cường, đội ngũ giáo viên ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh, từng bước được bổ sung cả về số lượng lẫn chất lượng. Thầy Lê Văn Vũ, giáo viên Trường Tiểu học Hòa An 1, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tuy là xã đặc biệt khó khăn còn thiếu thốn rất nhiều, nhưng thầy và trò chúng tôi ở đây được quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Giáo viên cư trú và công tác tại trường trên địa bàn đều được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đầy đủ hết. Nhờ vậy cũng an tâm công tác”. Các giáo viên của trường còn thực hiện mô hình đỡ đầu cho học sinh khó khăn. Mỗi thầy, cô giáo sẽ hỗ trợ 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với yêu cầu các em phải ngày càng có thành tích học tập tốt hơn và không được bỏ học.

Ở vùng sâu, những xã đặc biệt khó khăn, những ngôi trường khang trang ngày càng được xây dựng nhiều hơn và niềm hạnh phúc của thầy cô nơi đây là khi nhìn thấy nhiều em học sinh ở vùng quê nghèo tiếp tục học cao hơn, vững vàng trên hành trình tìm cái chữ để đổi đời…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 có nêu: “Cải tiến, nâng cao chất lượng học sinh ở các cấp học làm nền tảng để nâng cao trình độ dân trí và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao. Tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp, đồ dùng dạy và học; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo”… và chăm lo cho giáo dục vùng sâu chính là cách để hoàn thành những mục tiêu đó, nhất là nâng cao trình độ dân trí, xóa dần khoảng cách chất lượng giáo dục nông thôn và thành thị. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Các chương trình kiên cố hóa trường lớp thường ưu tiên rất nhiều trong đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài các chính sách của Nhà nước dành cho các xã đặc biệt khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiều chính sách để thu hút giáo viên giỏi về đây công tác, để từ đây chất lượng giáo dục vùng sâu được thay đổi tích cực hơn”.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>