Về thăm Sóc Bà Mai

14/08/2017 | 09:05 GMT+7

Từ thành phố Vị Thanh, theo Quốc lộ 61, khoảng 7km, đến huyện Vị Thủy, rẽ phải chạy khoảng 5km nữa là đến Sóc Bà Mai.

Một góc ngôi chùa Ô Chum Prức Sa.

Sóc Bà Mai là tên mọi người ở ấp 6, xã Vị Thủy, gọi nơi mình ở. Những người lớn tuổi ở đây cho rằng, vùng đất này ngày xưa hoang hóa, có một phụ nữ tên Mai, là người dân tộc Khmer tới đây lập nghiệp. Bà khai phá đất hoang, giúp đỡ người dân làm ăn, sinh sống. Dần dần, người dân về đây đông hơn, đa phần là người Khmer. Không chỉ vậy, bà Mai rất ưa làm từ thiện và giúp đỡ dân nghèo, nên người dân rất yêu quý và kính trọng bà. Nhớ ơn bà đã lập sóc, nên mọi người lấy tên của bà đặt cho vùng đất này. Câu chuyện về bà Mai cách đây hàng trăm năm, giờ được những người dân lưu truyền lại, như cách để nhớ ơn người có công với vùng đất và cư dân ở đây. Giờ, ở đây, cuộc sống của người dân khá lên rất nhiều, đường sá được đầu tư xây dựng khang trang. Tuyến đường đẹp cũng đang được người dân chung tay xây dựng hứa hẹn sẽ tạo thêm một điểm nhấn mới.

Đến đây, du khách còn được tham quan ngôi chùa gần 300 tuổi, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử: chùa Ô Chum Prức Sa, mà người dân ở đây gọi là chùa Sóc Bà Mai. Chùa được thành lập vào năm 1732. Từ đó đến nay, chùa đã 4 lần đổi chỗ vì nhiều lý do, trong đó có lý do bị giặc dội bom hư hỏng nặng. Ngôi chùa được xây dựng tại điểm hiện tại cũng đã hơn trăm năm, trên diện tích khoảng 10.000m2, gồm chánh điện, nhà sinh hoạt, học tập… Mỗi nơi có kiến trúc cầu kỳ, đẹp mắt, nơi đây được bày trí gọn gàng, ngăn nắp, được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ tạo bóng mát và tôn thêm vẻ tôn nghiêm, tĩnh lặng của nhà chùa. Đặc biệt, cột cờ cũng có kiến trúc rất độc đáo và đẹp mắt, mang đậm dấu ấn của văn hóa Khmer. Ông Danh Hoa, cố vấn Ban quản trị chùa, cho biết: Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng. Là nơi tôn nghiêm, giặc ít chú ý, nên cách mạng chọn nơi đây làm cơ sở bí mật để hoạt động. Được người dân đùm bọc, nên cơ sở này tồn tại được rất lâu. Qua các cuộc kháng chiến, ở đây cũng bị dội bom nhiều lần, có nhà sư và cả những bổn đạo hy sinh… Ông từng tu tại chùa này vào khoảng năm 1969, nên có rất nhiều thông tin về ngôi chùa này cùng những thăng trầm qua từng giai đoạn lịch sử. Ông luôn kể câu chuyện của chùa để các con cháu sau này biết về truyền thống, sự hy sinh của những người đi trước đã đổ nhiều máu xương giành được độc lập dân tộc, để mọi người ra sức học tập, rèn luyện xây dựng quê mình ngày càng đẹp hơn.

Kênh phía bên hông chùa là kênh Đường Đào, cũng là một địa danh thú vị. Bởi đây là một trong năm ngã của một con sông, hình thành từ rất lâu, nên mới có tên gọi là ngã năm Đường Đào. Hiện giờ vẫn còn chợ ngay đầu kênh mang tên này. Cách đó không xa là vườn trầu Vị Thủy có lịch sử hình thành hàng trăm năm, nức tiếng gần xa. Du khách cũng có thể đến tham quan xem người dân trồng, chăm sóc trầu và thu hoạch lá. Đến đây một lần, không chỉ bị hấp dẫn bởi không gian rợp mát, trong lành, khám phá những địa danh thú vị, mà du khách còn có thể tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân tộc Khmer, bởi họ sống ở đây khá đông, rất gần gũi, thân thiện. Không gian sinh hoạt văn hóa của họ diễn ra trong khuôn viên nhà chùa, nên những dịp lễ, tết, ở đây rất nhộn nhịp. Họ còn thành lập CLB văn nghệ để biểu diễn, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng qua những lời ca, điệu múa, trang phục. Về đây vào những dịp lễ lớn trong năm của họ (vào tháng 3, tháng 8 và tháng 10 âm lịch) thì còn gì thú vị bằng…

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>