Sản phẩm du lịch khả thi từ đề tài nghiên cứu khoa học

15/05/2017 | 07:56 GMT+7

Với kinh phí trên 300 triệu đồng, Đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng (thí điểm) mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, do Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang Nguyễn Duy Tân làm chủ nhiệm, đã hoàn tất sau gần 2 năm thực hiện, mở hướng phát triển du lịch Hậu Giang.

Tham quan thực tế mô hình du lịch cộng đồng ở gia đình anh Lê Quốc Chiến, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Địa điểm nhóm nghiên cứu đề tài xây dựng mô hình là gia đình anh Lê Quốc Chiến, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, một nhà vườn thích làm du lịch. Anh Chiến chia sẻ, lúc được gợi ý, anh rất lo, chưa hề biết phải làm gì. Giờ vườn anh đẹp hơn rất nhiều và thời gian qua đã đón nhiều khách đến tham quan. Trước đây, vườn trồng toàn xoài, khi tham gia mô hình, gia đình tranh thủ trồng thêm bắp, để ai đến tham quan, khi nghỉ chân có thể thưởng thức sản phẩm từ chính mảnh đất này, nếu không ngay mùa xoài… Đây chính là kết quả của quá trình nghiên cứu để xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, để phát huy thế mạnh nông nghiệp ở Hậu Giang và cũng đáp ứng xu hướng du lịch tìm về thiên nhiên, gắn với văn hóa bản địa, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Mục tiêu đề tài hướng đến là góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đem lại lợi ích cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Duy Tân, chia sẻ: “Để có thể xây dựng hoàn chỉnh một mô hình du lịch nông nghiệp mới, nhóm nghiên cứu đã đánh giá sát thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, từ đó chọn hướng xây dựng mô hình này là hợp lý, có thể khai thác, phát huy thế mạnh. Tôi nhận thấy mô hình này thật sự cần thiết, có nhiều lý do để xây dựng thành công”.

Tiếp tục xây dựng những mô hình khác

Quá trình nghiên cứu được bắt đầu bằng việc chọn và hướng dẫn người dân xây dựng, cải tạo vườn, trồng cây, nuôi cá, tạo lối đi và cảnh quan quanh vườn, xây nhà vệ sinh, cất chòi dừng chân… Từ sự thành công của mô hình đầu tiên, sẽ tiếp tục xây dựng những mô hình khác với các loại sản phẩm khác, tạo nên sự đa dạng để du khách chọn lựa. Với kết quả này, nhóm nghiên cứu còn đề xuất những định hướng triển khai tại mô hình thí điểm trong thời gian tới có các dịch vụ tham quan du lịch vườn, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc cây, cho “thuê” khoảnh đất nhỏ để khách trồng cây, đánh dấu sự có mặt của mình trong chuyến du lịch; dịch vụ nghỉ tại nhà dân, một ngày làm nông dân, tát mương, bắt cá, giăng lưới…

Không chỉ xây dựng và đề ra giải pháp để phát huy mô hình du lịch nông nghiệp vừa xây dựng, nhóm nghiên cứu còn nêu ra những định hướng phát triển du lịch nông thôn ở Hậu Giang, từ thực tiễn là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của làng quê, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; phát triển theo phương châm mỗi địa phương một sản phẩm. Đồng thời, một số giải pháp được đề cập là đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình xúc tiến du lịch gắn với giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch nông nghiệp nông thôn... Đặc biệt, các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa bàn xây dựng thí điểm (Quốc lộ 61C - Đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) được nói đến, mở ra một hướng phát triển mới cho du lịch Hậu Giang.

Những kiến nghị từ thực tiễn đề tài được đề xuất: Chính quyền các cấp cần chủ động tìm hướng khai thác khách du lịch, giải quyết những khó khăn về giao thông nông thôn, quy hoạch chi tiết khu vực có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; có chính sách hỗ trợ người tham gia phát triển du lịch về vốn, nghiệp vụ... Đối với hộ gia đình, cần chủ động đầu tư trang thiết bị, cải thiện dịch vụ để phục vụ du khách; cải thiện vườn cây ăn trái, học hỏi kinh nghiệm từ những người cùng xây dựng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích