Nơi ấy có lộc vừng

11/01/2019 | 08:10 GMT+7

Một ngày cuối năm trời se lạnh, tôi tìm về nơi có cây lộc vừng 300 tuổi ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, với mong muốn góp nhặt vài thông tin, cho câu chuyện ngày tết thêm đậm đà...

Đây là nơi người dân tìm về cầu mong sức khỏe, bình an.

Đường về lộc vừng thênh thang

Hơn 2 năm trước, đến vùng đất này hỏi đường đến chỗ cây lộc vừng, ai cũng lè lưỡi khó đi lắm. Nhưng giờ thì khác rồi, đường vào được đầu tư mở rộng, thoáng, hai bên đường người dân trồng cây xanh làm cảnh ngay hàng, thẳng lối rất đẹp, rộng, xe chạy bon bon. Bởi nơi đây nằm trong tua du lịch trọng điểm của tỉnh: Khu du lịch Lung Ngọc Hoàng - chợ nổi Ngã Bảy - địa điểm Cây Lộc Vừng.

Bà Bùi Thị Ương, trông coi quét dọn tại đây vẫn cần mẫn với công việc của mình. Châm vội bình trà mời khách, bà thủng thẳng: “Tôi mới tiếp nhận việc này thôi. Phía trước khuôn viên này là đất của gia đình tôi, địa phương nói cần mở rộng, tôi hiến hơn 200m2”. Không chỉ hiến đất, bà còn tự nguyện ở đây quét dọn, thắp hương, trò chuyện với khách với tất cả sự niềm nở.

Cứ tưởng đi vào giữa trưa, sẽ chẳng gặp ai. Nhưng tôi nhầm. Đôi vợ chồng anh Ngũ Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Mười, dắt theo đứa cháu ngoại đến đây thắp hương. Anh nói: Tôi đến đây cũng đã mấy năm rồi. Lúc nào thấy trong lòng buồn bực, làm ăn không thuận lợi là đến đây. Mà lạ, mỗi lần về là lại thấy mình tràn đầy năng lượng. Đây chính là điểm tựa về tinh thần cho tôi. Tôi hỏi: “Vậy anh thường cầu nguyện điều gì?”. Anh cười thật tươi và trả lời không cần nghĩ ngợi: “Tôi cầu sức khỏe cho vợ chồng tôi, cho con cháu và cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ có sức khỏe, con người ta sẽ làm được tất cả”.

Cây lộc vừng có chiều cao khoảng 22m, tán rộng, chu vi gốc gần 8m. Đầu xuân, cây rụng lá, đâm chồi, nảy lộc xanh um, đến khoảng tháng bảy âm lịch là trổ hoa làm đỏ rực một góc sân. Theo những người lớn tuổi, năm nào, cây ra hoa nhiều là năm đó thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Nhiều người đã tranh thủ đến đây hái lộc để cầu mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc... Từ đó, ngành chức năng Hậu Giang mới định hướng đầu tư mở rộng đường, quy hoạch khu đất hơn 3.000m2, để bảo tồn cây quý, xây nơi thờ Bà Chúa Xứ và Phật Quan Âm khang trang, sạch sẽ, thay cho ngôi miếu tạm cạnh gốc cây trước đây, để mọi người có nơi thắp hương sau đó ra ngắm cây quý hiếm bậc nhất vùng đồng bằng này.

Sức sống vượt thời gian

Chẳng ai biết cây lộc vừng có từ khi nào. Cái tên lộc vừng chỉ mới gọi gần đây, chứ người dân ở đây quen gọi là cây vừng. Con rạch cách đó không xa người ta cũng kêu là rạch vừng. Có lẽ với tuổi đời 300 năm như khoa học đã chứng minh, cây cổ thụ này gắn liền với lịch sử khẩn hoang của cư dân Nam bộ. Vì sống quá lâu, nên phần thân chính đã bị gãy. Hình ảnh mà mọi người thấy bây giờ là hai nhánh phụ, nhưng cũng rất lớn. Có người nói có lẽ do cây lâu năm nên thân lớn mục và tự gãy, hai nhánh bây giờ là nhánh con. Cũng có người nói có thể cây đã hứng chịu bom đạn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dấu tích những lỗ to, nhỏ vẫn còn hằn lên gốc cây, bởi nơi này xưa kia chiến tranh rất khốc liệt.

Người dẫn đường cho tôi là ông Phan Văn Xăng, Bí thư Chi bộ ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh. Hỏi ông nhớ cây lộc vừng thời ông còn nhỏ ra sao. Ông cười: “Ông nội tôi kể, hồi ông từ miệt Đồng Tháp qua đây lập nghiệp, đã thấy cây này mấy người ôm không giáp. Tôi cũng đã 67 tuổi, vậy hơn trăm năm trước, cây lộc vừng đã to như hôm nay”… Rồi ông kể cho tôi nghe những câu chuyện mà ông biết về cây cổ thụ này. Ông là người từ nhỏ sống ở vùng đất này, theo cách mạng, từng làm giao liên và cây lộc vừng chính là điểm để ông nghỉ chân, sau đó tiếp tục vận chuyển vật dụng cần thiết vào tận Khu chi ủy xã Long Thạnh. Gốc cây to này là điểm móc nối, truyền tin tức với cơ sở và ngược lại. Khu này âm u, lau sậy cao khỏi đầu. Vì vậy, đồn địch cách đó chưa đến 2km nhưng vùng này ít bị càn quét. Dân cũng đi tản cư hết làm cho vùng đất hoang vu lại càng âm u hơn.

Xoay quanh cây cổ thụ này còn có nhiều câu chuyện tâm linh mà mọi người hay kể cho nhau nghe. Dù là người đến sau, nhưng tôi tin có một sức mạnh tâm linh rất lớn, nên địa điểm này ngày càng thu hút những người đến đây thắp hương vào dịp rằng tháng ba âm lịch hàng năm. Từ thế hệ này đến thế hệ khác qua đi, cây lộc vừng vẫn sừng sững trước nắng mưa, như một chứng tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử… Vì vậy, mọi người rất coi trọng và xem đây là cây cổ thụ linh thiêng…

Những câu chuyện mà tôi nghe kể về cây lộc vừng đậm nét tâm linh. Nhưng tựu trung đều là niềm tin của con người để cầu cho sự bình an, sức khỏe, dù chưa biết đúng sai, nhưng tôi hiểu rằng đó cũng là một nét văn hóa rất độc đáo. Bởi mỗi người đến đây sẽ gột rửa mọi ưu phiền, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực để sống tiếp, sống tốt. Ngay cả sức sống vượt thời gian của cổ thụ cũng đủ để chứng minh niềm tin mà con người gửi gắm là có cơ sở. Cũng vì lẽ đó mà Hậu Giang đã đầu tư khai thác làm nơi tham quan du lịch tâm linh,  như một nét văn hóa của vùng đất và con người nơi đây.

Bài, ảnh: THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>