Du xuân ở Hậu Giang

20/02/2018 | 06:53 GMT+7

Tôi có chị đồng nghiệp ở tận Thái Nguyên, vào Hậu Giang công tác, muốn được giới thiệu về du lịch ở đây, vậy là cùng làm một cuộc du ngoạn trong tiết trời se lạnh của cơn gió đầu xuân...

Dấu ấn của du lịch Hậu Giang là được đắm mình trong không gian xanh mát.

Khám phá du lịch miệt vườn

Có lẽ là dân trong nghề, nên chị cũng tìm hiểu trước về Hậu Giang, nên yêu cầu được dắt đi những điểm mới. Là người địa phương, tôi nói ngay là hãy về vùng khóm Cầu Đúc, trước khi tham quan các điểm đến ở xa trung tâm thành phố. Đây cũng là điểm nhấn, là niềm tự hào của những người làm du lịch ở Hậu Giang.

Sẵn có chút “máu tài tử”, tôi liền làm một câu ca cổ, như để tô điểm thêm nét đẹp mà tôi muốn giới thiệu với chị:

“Rẫy khóm vẫn còn đây, mái chèo vẫn còn đây... Và Vàm Nước Trong vẫn chảy vòng qua sông Nước Đục. Trái khóm đã vàng mơ cho đời vị ngọt mà lời hứa năm xưa đã lợt phai... rồi!”

Chị chăm chú nghe, mắt sáng rỡ, rồi hối tôi đi nhanh nhanh để thưởng thức cái nét đẹp như tôi giới thiệu là rất độc, rất lạ.

Du lịch vùng khóm mang đến những trải nghiệm mới lạ ở Hậu Giang.

Vùng khóm tập trung ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, hàng trăm công, trải rộng mút tầm mắt. Năm nay, người dân được mùa, nên nhà nhà hân hoan mua sắm tết. Chủ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng là anh Huỳnh Tường Dương hớn hở giới thiệu: “Mở cửa đón khách vài tháng nay, nhưng tôi thấy phấn khởi lắm. Nhà có 20 công khóm, trước giờ có năm được mùa, năm mất giá, cũng lo trong bụng. Nhưng giờ, có làm thêm du lịch, thu nhập cũng  tăng thêm. Vợ chồng tôi tranh thủ học thêm mấy món ăn, thức uống từ khóm để phục vụ yêu cầu của khách đến tham quan: Bánh xèo củ hủ khóm, củ hủ khóm xao tép, rượu khóm, mứt khó...”.

Nghe giới thiệu thôi, nhưng hai chị em không ngăn được tò mò và thử ngay những đặc sản dân dã nhưng không phải ở đâu cũng được thưởng thức món này!

Hòa mình cùng với thiên nhiên

Hành trang đã bắt đầu nặng, đủ “dũng khí” để tiếp tục dạo bước đến nơi xa hơn để cùng đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã, thơ mộng…

Hai chị em lại ngược dòng về Ngã Bảy, Phụng Hiệp, nơi đang được Hậu Giang tập trung xây dựng thành một tua du lịch: Chợ nổi Ngã Bảy - Du lịch Mùa Xuân - Cây di sản Lộc Vừng. Ngã Bảy nổi danh với dòng sông thơ mộng và tấp nập ghe xuồng buôn bán trên sông mang dấu ấn rất riêng của miền quê sông nước, đã trở thành điểm đến nổi tiếng, đi vào thơ, nhạc, giờ khoác trên mình một sắc màu mới khi có dự án khôi phục lại khu chợ nổi phục vụ du lịch. Xung quanh các ngã sông có các ngành nghề đặc thù của vùng này: đan cần xé, đóng ghe, trồng rẫy… thích hợp cho những người thích thâm nhập thực tế để thấy được cái tình của người dân vùng sông nước. Thi thoảng lúc giữa trưa hoặc lúc đêm về, khi việc buôn bán trên sông đã tạm lắng, văng vẳng trên sông tiếng rao đờn cùng câu vọng cổ ngọt lịm. Đó cũng là cách giải trí đầy chất tài tử của cư dân vùng sông nước này.

Khu du lịch Mùa Xuân, một điểm đến đầy thú vị.

Cách đó vài cây số là Khu du lịch Mùa Xuân, một điểm đến đầy thú vị, với vườn chim được bao quanh bởi rừng cây rợp mát, với những dịch vụ dã ngoại, cắm trại, câu cá thiên nhiên và thưởng thức món ăn đặc sản: bánh xèo ong, cá lóc đồng nướng trui, lẩu cua rau đồng… để lại chút hương vị miệt vườn sông nước. Rời nơi đây, đi về hướng Phụng Hiệp khoảng 20km, là đến xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp), để ghé thăm điểm du lịch mới: Cây di sản Lộc Vừng cũng là một điểm du lịch tâm linh, nghe những câu chuyện xung quanh cây lộc vừng 300 năm tuổi mỗi năm chỉ ra hoa một lần, với sắc màu đỏ rực, từng chùm hoa đong đưa trước gió, chuyên chở những ước mơ, gửi gắm nguyện vọng của người dân về sự bình an trong cuộc sống. Cũng địa bàn huyện Phụng Hiệp, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, được xem là “lá phổi xanh” của đồng bằng. Nơi đây đang tồn tại hàng trăm loài thực vật, động vật quý cùng hệ thống lung trũng phong phú hoang sơ, tạo dấu ấn rất riêng cho du khách.

Niềm mong mỏi du lịch cất cánh

Chỉ một vài điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã làm cho chúng tôi thích thú. Chị bạn hồ hởi: “Nghe đâu ở đây còn có rất nhiều dự án đang khởi động”. Được khơi, tôi kể cho chị nghe một loạt dự án đang kêu gọi đầu tư, dự án đang đầu tư, để thấy được bức tranh du lịch Hậu Giang đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng đã được đầu tư, đủ để phục vụ các sự kiện lớn mang tầm quốc gia, khu vực. Các nhân viên phục vụ giờ cũng được đào tạo bài bản hơn… Tất cả như được khoác lên mình một tấm áo mới, tươi vui, thân thiện và đầy nhiệt tình. Đây cũng là nỗ lực của một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn như Hậu Giang.

Chưa hết, nghe đâu một doanh nghiệp ở Vĩnh Long đã mở lời sẽ tìm đến để đầu tư nuôi đà điểu làm du lịch. Đây cũng là một cách làm khá thành công ở tỉnh này thời gian qua. Nếu được như vậy, sẽ có thêm sản phẩm du lịch nữa cho Hậu Giang trong thời gian tới. Cùng với đó là các dự án về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh cũng đang dần hình thành, tạo nên sản phẩm du lịch đa dạng, hứa hẹn về một giấc mơ sắp trở thành hiện thực.

Đi trên dòng Xà No chiều se lạnh, ngắm nhìn dòng sông hiền lành uốn mình trong không gian thơ mộng từng đi vào thơ nhạc làm nao lòng người, tôi thấy thật hãnh diện biết bao vì đã giới thiệu về du lịch Hậu Giang một cách cô đọng nhưng ấn tượng chỉ sau 2 ngày.

Nhưng tôi vẫn mơ về tương lai của sự phát triển toàn diện từ hạ tầng đến sản phẩm du lịch. Nghe tôi nói là mơ, chị bạn tấm tắc đánh giá là ước mơ tôi hoàn toàn có căn cứ, vì lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quá quan tâm đến du lịch. Ngành du lịch không khói đã chuyển mình, để tương lai mỗi du khách đến đây xong khi rời đi họ đều có ước ao một lần được quay trở lại để thụ hưởng những sản phẩm du lịch đặc thù, chẳng cần đi ở đâu, về Hậu Giang thôi đã đủ cảm nhận nét riêng sông nước miền Tây...

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>