Du lịch, hàng không lao dốc

06/02/2020 | 19:08 GMT+7

Ngành du lịch tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra. Các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn bị sụt giảm đến 70%-80% doanh số khiến doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Du khách đến tham quan TPHCM được phát khẩu trang miễn phí phòng ngừa dịch nCoV. Ảnh: THI HỒNG

Ồ ạt hủy tour, hủy phòng

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thông tin, số lượng khách đến TPHCM đã giảm 30%-50%. Tính riêng trong 9 ngày kể từ khi dịch bệnh lan rộng, lượng khách du lịch đến TPHCM sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù TPHCM không phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc nhưng từ khi dịch xảy ra cho đến nay, tổng lượng khách quốc tế đến TPHCM đã giảm nhẹ. Đáng chú ý, những doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường nói tiếng Hoa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khách đã hủy tour gần như toàn bộ (90%-100%).

Tại các tỉnh miền Trung, mặc dù đang là đỉnh điểm của mùa du lịch tết nhưng do ảnh hưởng dịch nCoV khiến ngành du lịch, dịch vụ và hàng không lao dốc. Đà Nẵng, Huế, Hội An - điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, nhất là du khách Trung Quốc bỗng chốc đìu hiu. Khách sạn, hàng quán, phố xá vắng vẻ giữa mùa cao điểm. Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, cho biết: “Công suất buồng phòng trước đây từ 70%-80% nay giảm chỉ còn tầm 30%. Khách Trung Quốc hủy đặt phòng gần như toàn bộ từ 30 Tết, nên lượng khách giảm khá lớn.

Đây là tình hình chung của toàn ngành, chỉ còn một số khách Hàn Quốc nhưng họ cũng đang có xu hướng hủy”. Tương tự, Ban Quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, trong 3 ngày qua, lượng khách đến đây đã giảm đến 60%. Không khí vắng vẻ cũng bao trùm các tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng đến Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi). Chị Phạm Thị Ngà, chủ một nhà hàng ven biển Mỹ Khê, cho biết: “Các nhà hàng ở đây thường đông đúc từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, kéo dài đến rằm tháng Giêng. Thế nhưng, năm nay lượng khách đến rất ít, giảm đến 50%-70% so với cùng kỳ năm ngoái”. Rất nhiều quán xá, nhà hàng cũng trong tình trạng ảm đạm, vắng vẻ.

Tại Hà Nội, số lượng khách hủy phòng tính đến ngày 4-2 là hơn 13.000 phòng, tương đương với hơn 16.000 khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30%-50%. Tại Quảng Ninh, chỉ riêng hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long chỉ thu hút được 3.000 khách/ngày, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước.

Mất khoảng nửa năm để phục hồi

Thông tin không vui đã lan rộng trong toàn ngành du lịch thế giới, gần như nơi nào cũng đối mặt với tình trạng ngừng đi lại, hủy tour, hủy phòng… Ngành du lịch Việt Nam không chỉ mất nguồn khách Trung Quốc mà lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng giảm mạnh trong những tháng tới, nhất là từ tháng 1 đến tháng 4 được xem là mùa cao điểm đón khách quốc tế. Dự báo tình hình còn xấu hơn nếu Trung Quốc và thế giới chưa ngăn được dịch trước mùa hè 2020 (tháng 6-2020).
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhận định, những năm gần đây, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm ưu thế tại thị trường du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc đã dừng hẳn bởi các hãng bay, tàu biển chủ động không tiếp nhận khách Trung Quốc, đặc biệt là khách đến từ vùng dịch. Hiện nay, khách Hàn Quốc, khách nội địa bắt đầu suy giảm, liên tục hủy phòng nhanh trên online.

Trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như công nợ, trả lương cho nhân viên… Sau khi dập dịch thì khả năng phục hồi lượng khách như cũ cũng phải mất rất nhiều thời gian. Ngành du lịch Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng. Việc hoàn thành mục tiêu năm 2020 đón 20,5 triệu khách du lịch quốc tế là khó có thể thực hiện. Dự báo, ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm mới phục hồi kinh tế du lịch tại địa phương.

Tìm giải pháp hạn chế những ảnh hưởng

Ngày 5-2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm nóng như TPHCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An… để cùng đưa ra những hành động, việc làm cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa các tác động xấu của dịch nCoV tới hoạt động du lịch, nhanh chóng khôi phục thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, dù đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, song ngay từ lúc này, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, xúc tiến lại các thị trường trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, đề xuất, ngoài việc bám sát chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường phòng chống dịch bệnh, thời gian tới các địa phương cần chung tay thực hiện những gói kích cầu, giảm giá ngay khi dịch kết thúc để bù đắp cho lượng khách hao hụt. Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiệp hội đã đề xuất tỉnh tiếp tục mở cửa cho du khách tham quan vịnh Hạ Long, mở cửa các điểm đến an toàn khi chưa phát hiện dấu hiệu dịch, không để đóng băng các sản phẩm du lịch an toàn. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đề xuất tận dụng khoảng thời gian ít khách, vắng khách này để đào tạo lại nhân lực, sửa sang lại các cơ sở lưu trú… sẵn sàng đón khách trở lại với chất lượng tốt hơn ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đồng tình với việc không nên dừng đón khách tại các điểm di tích tại các vùng chưa có dịch bởi điều này cũng đồng nghĩa với việc khiến cho sản phẩm du lịch “chết” lâm sàng.
Nhận định khó có thể khôi phục lại ngay lập tức nguồn khách quốc tế sau dịch do nguồn khách Trung Quốc, các đại biểu cho rằng, song song với việc đa dạng thị trường khách quốc tế, các doanh nghiệp chuyển sang khai thác thị trường khách nội địa. Đại diện các công ty du lịch đề xuất, cần phải liên kết, thậm chí phải giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước, kích cầu trong nội địa. Để thành công việc này không những cần sự chung tay của các doanh nghiệp mà còn cần sự hỗ trợ về chính sách, sự hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ.

Khuyến cáo người dân hạn chế đi lại

Ngày 5-2, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và đảm bảo an toàn phòng dịch nCoV trong khi tham gia giao thông.
Trong trường hợp phải sử dụng phương tiện vận tải công cộng, cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân cần thiết, sử dụng khẩu trang y tế trước khi lên phương tiện, đến nhà ga, trạm dừng và các nơi tập trung đông người. Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng bảo đảm điều kiện thông thoáng, sạch sẽ tại các đầu mối giao thông; khử khuẩn, lau chùi sạch sẽ các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, taxi… Đối với phòng chờ kín hoặc khoang chở khách của phương tiện không thể mở cửa tạo thông thoáng tự nhiên, cần chỉnh nhiệt độ lên trên 260C để hạn chế phát tán nCoV.

Tạm ngừng khai thác nhiều đường bay

Thông tin từ Vietnam Airlines, từ ngày 6-2 sẽ tạm ngừng khai thác đường bay giữa Hà Nội và Macao, Hồng Công (Trung Quốc) để phòng chống dịch nCov. Với đường bay giữa Việt Nam và Đài Loan, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại các chuyến bay từ ngày 2-2. Tương tự, Jetstar Pacific cũng công bố tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Hồng Công từ ngày 6-2, Hà Nội - Quảng Châu từ ngày 9-2 và TPHCM - Quảng Châu từ ngày 11-2.

Ngày 5-2, Vietnam Airlines cho biết, hãng đã nhận được thông tin từ bệnh viện phía Trung Quốc xác nhận 1 nam hành khách người Trung Quốc đi trên chuyến bay của hãng từ Trịnh Châu (Trung Quốc) đến Nha Trang và ngược lại bị nhiễm nCoV. Vietnam Airlines đã báo cáo sở ngành liên quan về hành trình, lưu trú của hành khách tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan nCoV. Vietnam Airlines đã khử trùng máy bay chở hành khách nhiễm nCoV đi Nha Trang và về Trịnh Châu, đồng thời yêu cầu 2 tổ bay cách ly, theo dõi chặt sức khỏe.
Cùng ngày, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, đã có phương án đặc biệt cho Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng hàng không Phù Cát - 2 nơi dự kiến đón các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ vùng dịch Trung Quốc.
Tổng công ty cũng cho biết, đã chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc, như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Cần Thơ, Vân Đồn, triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát và phòng chống dịch.

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN – SGGP Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>