Di tích thành lập Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Cần Thơ

24/07/2017 | 08:35 GMT+7

Nơi đây được tỉnh Hậu Giang ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Để đến khu di tích có 2 cách đi. Nếu đi theo Quốc lộ 61C, đến cầu Xáng Mới, cách thành phố Vị Thanh 30km quẹo trái, chạy khoảng 5km là đến khu di tích. Nếu đi theo Quốc lộ 61, từ thành phố Vị Thanh đi khoảng 40km, đến Nghĩa trang Liệt sĩ Tầm Vu, rẽ phải khoảng 5km là đến.

Một góc Khu di tích thành lập Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Cần Thơ.

Đầu tháng 5-1961, sau khi Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Tây Nam bộ ra mắt, thực hiện chỉ thị của Khu ủy miền Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bàn quyết định tổ chức đại hội thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ và tổ chức mít-tinh ngày 25-6-1961. Lễ mít-tinh diễn ra rất long trọng, có trên 20.000 người dân đại diện cho tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ, trí thức nông thôn, thành thị… tham dự tại rạch So Đũa, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ khi đó (nay là ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Đây là sự kiện tạo sức ảnh hưởng, niềm tin của quần chúng đối với cách mạng, là nguồn cổ vũ lớn đối với nhân dân trong tỉnh. Từ đây, nhiều đoàn người đã tiến về Cần Thơ, tập trung trước Dinh Tỉnh trưởng Ngụy, trương cờ, hô vang khẩu hiệu đòi chấm dứt càn quét, bắn pháo vào nông thôn, đòi hòa bình thống nhất nước nhà, đòi bồi thường nhân mạng những người bị sát hại… các cuộc đấu tranh chính trị cùng với lực lượng vũ trang đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong suốt những năm tiếp theo, đã góp phần tạo nên chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975 trên đất Tây Đô…

Điểm lại sự kiện lịch sử để thấy sự hào hùng của dân và quân nơi đây. Ngày nay, di tích được xây dựng trên diện tích hơn 800m2, gồm các hạng mục: phù điêu, biểu tượng, bia, hàng rào, hệ thống điện, bờ kè…, đã trở thành nơi tìm về của những cán bộ lão thành, chiến sĩ, quần chúng nhân dân từng gắn bó, có nhiều kỷ niệm với vùng đất này trong kháng chiến. Nếu có dịp gặp những cô chú từng tham gia kháng chiến, sẽ nghe câu chuyện về một thời hào hùng vẫn còn in đậm trong ký ức của họ. Đến đây, du khách có thể hỏi những người lớn tuổi sống ở vùng này, sẽ nghe nhiều câu chuyện về phong trào tranh đấu nổ ra rầm rộ ngày đó. Đây còn là nơi để người dân địa phương sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghe nói chuyện truyền thống nhân các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại trong năm; là nơi các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tìm về trong những chuyến dã ngoại về nguồn để biết thêm về lịch sử, truyền thống của dân tộc, để thêm quý, thêm yêu và ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng với bao lớp người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc.

Chuyến du lịch khám phá vùng đất sẽ hoàn hảo hơn nếu du khách đến thăm thêm Di tích lịch sử Chiến thắng Tầm Vu, một di tích cấp Quốc gia, cách đó không xa, nằm trên Quốc lộ 61, một nơi ghi dấu 4 trận thắng điểm tô thêm trang sử vàng truyền thống chống giặc ngoại xâm, đã đi vào thơ, vào nhạc, vào ký ức người dân qua bao thế hệ. Dọc tuyến đường, du khách còn có thể ghé lại bên đường để mua ổi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…, những sản vật của vùng đất này về làm quà. Đặc biệt, ổi Tầm Vu nức tiếng thơm, giòn, ngọt, rất khác ổi ở nơi khác. Chưa hết, với du khách yêu thích ẩm thực, mọi người sẽ được thưởng thức tô cháo lòng Cái Tắc nổi tiếng cách di tích này chỉ một đoạn đường…

Bài, ảnh: THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>