Đánh thức “cô gái đẹp ngủ say”

15/01/2020 | 05:56 GMT+7

Du lịch Hậu Giang đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu ví von như vậy tại Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”. Vậy làm sao đánh thức “cô gái đẹp ngủ say” đó, để du lịch Hậu Giang cất cánh cùng khu vực? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời !

Hội thảo Chung tay làm du lịch nông nghiệp.

Du lịch “tỉnh giấc”

 Đã lâu rồi, chợ nổi Ngã Bảy, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng… đã từng có sức hút lớn với các đơn vị lữ hành cũng như du khách. Thế nhưng, vì điều kiện chủ quan lẫn khách quan, những điểm đến này không được phát huy đúng với tiềm năng. Các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh không nổi bật, dù ngành du lịch đã có nhiều cách xây dựng điểm du lịch cộng đồng, tổ chức học tập kinh nghiệm những tỉnh làm du lịch tốt; liên kết với các đơn vị lữ hành để khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch, chọn một hướng đi phù hợp.

Từ đó, tỉnh đã xác định du lịch Hậu Giang cần phát triển theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, gắn với du lịch nông nghiệp. Các tua dần hình thành: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng - Chợ nổi Ngã Bảy - địa điểm Cây Lộc Vừng qua hai địa bàn Phụng Hiệp và Ngã Bảy, điểm du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc trên địa bàn thành phố Vị Thanh…

Các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cũng vào cuộc. Khu du lịch sinh thái Phú Hữu đang đón khách; Khu sinh thái rừng tràm Việt - Úc đang dần hoàn thiện hạ tầng, hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đa dạng vườn cây ăn trái, chim, thú…, dự kiến đón khách vào năm 2020 này.

Du lịch cộng đồng đang được khuyến khích.

Còn các nhà vườn ở Hậu Giang, tự tin bắt tay vào làm du lịch từ những sản vật của địa phương như: vườn dâu, vườn xoài, rẫy khóm..., bắt đầu đạt được những thành tựu bước đầu khả quan. 

Những tín hiệu vui

Quyết tâm vực dậy ngành công nghiệp không khói, Hậu Giang đã có nhiều giải pháp, từ việc đầu tư hạ tầng, điểm đến, xây dựng tua tuyến, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội khai thác du lịch. Tỉnh đã tạo bước đột phá mới khi phối hợp tổ chức Hội thảo Chung tay làm du lịch nông nghiệp. Trước và sau hội thảo, những cuộc khảo sát toàn diện về du lịch Hậu Giang đã được thực hiện...

Khai thác du lịch kênh xáng Xà No nhiều người đều thấy có tiềm năng, nhưng nó vượt khả năng của những người làm du lịch địa phương. Đó là lý do các chuyên gia về du lịch vừa thực hiện chuyến khảo sát tuyến này, sau hội thảo. Khởi hành từ Phong Điền, thành phố Cần Thơ - ngã ba sông Cần Thơ và kênh xáng Xà No trải dài đến sông Cái Lớn, suốt mấy chục ki-lô-mét đường sông, qua những vườn cây ăn trái, trại chăn nuôi, trung tâm thành phố Vị Thanh, đời sống người dân dọc tuyến kênh… Đã hứa hẹn sẽ có sự liên kết, xây dựng tua mới kết nối với thủ phủ miền Tây - Cần Thơ.

Động thái và động lực để du lịch Hậu Giang cất cánh còn là sự quan tâm của các cấp, ngành. Tỉnh ủy Hậu Giang đã có một nghị quyết chuyên đề về du lịch từ cách đây 5 năm. UBND tỉnh, các ngành, các cấp có liên quan xây dựng kế hoạch, đề án để thực hiện nghị quyết, tạo thành những điểm nhấn rất riêng, cùng góp phần tạo nên một diện mạo mới. UBND tỉnh đã xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đã được HĐND tỉnh thông qua và sẽ áp dụng từ năm 2020-2024, hỗ trợ vốn, tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng cho nông dân có điều kiện làm loại hình du lịch này; tổ chức khảo sát các điểm du lịch, làng nghề…, để tiếp tục có cái nhìn toàn diện, khách quan về du lịch, từ đó có những đề xuất kịp thời.

Ý tưởng kiến tạo

Bận rộn, nhưng khi được gợi ý tham gia Hội thảo Chung tay làm du lịch nông nghiệp tại Hậu Giang, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) đã đến với Hậu Giang để chia sẻ những cách làm du lịch của địa phương mình. Các ông đã nhấn mạnh rằng, làm du lịch phải có sự khác biệt, nôm na là không giống ai. Không “rải mành mành” mà phải chọn điểm bắt đầu để có thể làm thông được sự phát triển. Hai ông ví von, người làm du lịch, kể cả lãnh đạo, phải có tư duy của một anh địa chủ (ý là người làm chủ thật sự). Người dân cũng vậy, dù là làm du lịch theo cách nào, hãy nghĩ theo kiểu làm giàu như địa chủ. Nghĩa là mình thực sự làm chủ miếng đất này, có tầm nhìn dám làm, dám nghĩ sao cho bền vững.

Với ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logge tại Cần Thơ, có dịp khảo sát các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh, đã rất thích thú với du lịch miệt vườn sông nước, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ông nói, với cách thức làm du lịch của người Đức, ông sẽ hỗ trợ các chủ đất để tìm ra phong cách đích thực cho hoạt động lưu trú, tạo nên sản phẩm mới dựa vào sản phẩm bản địa. Kinh nghiệm của ông là làm ít mà thu nhiều, xây dựng danh tiếng dựa trên việc không sử dụng nhựa, không xả rác, không dùng động cơ ồn ào - những điều khách quốc tế rất chuộng.

Đến Hậu Giang để chia sẻ, giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, ông Đinh Hiếu Nghĩa, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, chân thành: “Hậu Giang nên nhắm vào nguồn tài nguyên hấp dẫn, đó là thương hiệu “Hậu Giang” và sông nước miệt vườn. Dù phát triển loại hình nào, đừng quên sông nước. Kênh xáng Xà No là một lợi thế của vùng đất này và nếu khai thác tốt, đây sẽ là sản phẩm du lịch khác lạ”…

Từng có nhiều chuyến khảo sát các điểm du lịch ở Hậu Giang, ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, rất ấn tượng với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ông nhấn mạnh: “Đây là nơi tài nguyên còn nguyên vẹn, là sản phẩm khác biệt, độc đáo và đặc sắc. Du lịch chỉ cần có vậy. Nếu biết khai thác đúng, đây sẽ là “nữ hoàng” của tua khám phá vùng ĐBSCL. Theo ý tôi, Hậu Giang nên chọn 4 trụ cột cho chiến lược phát triển du lịch gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng - kênh xáng Xà No, vùng trồng lúa, cây ăn trái và khóm, văn hóa cư dân miệt Hậu Giang. Hậu Giang nên mời chuyên gia giúp đánh giá tài nguyên du lịch, từ đó đề xuất các kế hoạch phát triển phù hợp”…

***

Hậu Giang đã vượt được những khó khăn ban đầu tìm được sự đồng điệu và đồng lòng, đưa du lịch cất cánh, để đánh thức “cô gái đẹp ngủ say” đúng thời điểm.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>