Sinh kế cho người khiếm thị

18/03/2021 | 08:17 GMT+7

Được hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, nhiều hội viên người mù trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh... từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Tới (bên trái), ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cất được nhà mới khang trang nhờ được hỗ trợ vốn.

Trao cần câu

Ông Bùi Văn Đông, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chia sẻ: “Hậu Giang hiện có 1.263 hội viên người mù, trong đó có 134 hội viên thuộc hộ nghèo và 61 hội viên thuộc hộ cận nghèo. Những năm qua, hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, chương trình như dạy nghề, hỗ trợ vốn vay… nhằm tạo điều kiện cho hội viên ổn định cuộc sống”.

Hơn 12 năm qua, từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hỗ trợ dành cho người mù, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với ngân hàng chính sách các cấp xây dựng nhiều dự án xóa đói giảm nghèo. Tính đến nay, đã có gần 80 lượt hội viên vay vốn, với số vốn vay xoay vòng hơn 403 triệu đồng. Nhờ đó, đã giúp cho nhiều người mù và gia đình rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi, cất được nhà, mua sắm thêm các đồ dùng sinh hoạt, nuôi con ăn học trưởng thành.

Điển hình như gia đình ông Võ Văn Giùm, 65 tuổi, ở ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Từ số vốn vay 10 triệu đồng dành cho hội viên người mù, ông mạnh dạn cải tạo diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ông Giùm bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi có 8 công đất ruộng, nhưng trồng lúa cho năng suất rất thấp. Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, lại đông con, nên khi có vốn vay ưu đãi hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các chú bên Hội Người mù huyện đã xem xét hỗ trợ tôi vay vốn. Mừng lắm, cũng nhờ được vay vốn để chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi giờ có thu nhập rất ổn định”.

Năm 17 tuổi, trong lần gặp tai nạn, một bên mắt của ông Giùm không còn thấy ánh sáng. Nhờ chịu khó làm ăn, mô hình trồng cây ăn trái của gia đình ông Giùm mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Qua đây, ông Giùm không chỉ có điều kiện chăm lo cho 6 đứa con của mình, mà kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước đây.

Còn đối với anh Phạm Hùng Thiện, 45 tuổi, ở khu vực V, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, từ nguồn vốn vay dành cho người mù đã giúp anh có thêm hy vọng về cuộc sống. Anh Thiện tâm sự: “Dù không phải bị mù hoàn toàn, nhưng tôi cũng chẳng khác gì người mù cả, vì bản thân giờ đâu làm thuê làm mướn gì cho ai được. Lúc mắt mới bị mờ, tôi rất buồn, nhưng nhờ các cô chú bên Hội Người mù thị xã động viên, hướng dẫn cách làm ăn và giúp vay vốn ưu đãi, nên giờ tôi cũng quên đi mặc cảm”.

Được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, anh Thiện đã tập trung vào mô hình chăn nuôi gà. Nhờ chịu khó chăm sóc cùng sự hỗ trợ của gia đình, từ bầy gà chỉ gần chục con của gia đình, anh đã xây dựng thành một trại nuôi gà nhỏ. Hiện tại, mô hình chăn nuôi của anh cho thu nhập hàng tháng khá ổn từ việc bán gà con, gà thịt và gà trống.

Vượt khó vươn lên làm giàu

Quyết không là gánh nặng cho vợ con dù đã mất đi ánh sáng, từ số vốn vay ưu đãi dành cho người mù 2 triệu đồng, ông Huỳnh Tấn Tới, 71 tuổi, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đã mua cây dâu giống về trồng trên 1ha đất của gia đình. Ông Tới chia sẻ: “Cách đây hơn chục năm, cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm, rất may lúc đó được mượn vốn dành cho người mù với lãi suất thấp, vợ chồng tôi mới có được cuộc sống ổn định như hiện nay. Từ số vốn vay ban đầu, tôi giờ có điều kiện mua thêm được đất, sửa lại được nhà, vui nhất là kinh tế gia đình ổn định, mấy đứa con no đủ hơn”.

Với nhu cầu mở rộng vườn cây ăn trái, gia đình ông Tới đang được hỗ trợ vay hơn 18 triệu đồng. Nhờ chí thú làm ăn, gia đình ông giờ đã mua thêm được 2ha đất vườn để trồng cam sành và nhãn. Vườn trái cây của gia đình, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Nói về hiệu quả sử dụng vốn vay, ông Bùi Văn Đông, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết thêm: “Hiệu quả mang lại từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm dành cho người mù là rất lớn. Sau khi gia đình người mù được vay vốn, phần lớn họ tập trung vào cải tạo vườn tạp, buôn bán nhỏ hoặc phát triển kinh tế dựa trên thực tế đời sống. Nhờ đó, kinh tế họ không chỉ phát triển, mà tư duy nhận thức đã có nhiều thay đổi, không trông chờ ỷ lại như trước đây. Ngoài cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, các cấp hội còn hướng dẫn cách làm ăn từ đây, nhiều gia đình người mù đã vươn lên khá giả”.

Từ hiệu quả sử dụng vốn vay, cùng với các chương trình hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên người mù từ năm 2015 đến nay đã giảm khoảng 24%. Kết quả này là hành trình đầy nỗ lực của những người mù, vì nếu người sáng mắt cố gắng 1, thì người mù phải cố gắng 9-10 mới có thể hoàn thiện công việc của mình.

Ánh sáng từ đôi mắt đã không còn nhưng người mù có được ánh sáng của niềm tin, của sự chia sẻ, để sống tốt và để mình không là gánh nặng của gia đình, xã hội...

Từ năm 2008, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã thực hiện chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho người mù tại tỉnh. Tính đến nay, có khoảng 34 hộ trên địa bàn thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A, được vay vốn ưu đãi dành cho người mù. Trung bình mỗi hộ sẽ được mượn từ 7-20 triệu đồng, tùy theo mô hình kinh tế. Từ đây, đã có nhiều hộ ổn định cuộc sống, trong đó khoảng 8 hộ vươn lên khá giàu.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>