Sắc xanh ở chùa Khmer

04/01/2018 | 10:28 GMT+7

Những ngôi chùa Khmer luôn có sức hút với bất kỳ ai từ kiến trúc rất riêng, màu sắc nổi bật, ấn tượng. Quanh chùa còn trồng nhiều cây cổ thụ, các tàn cây xanh mướt mắt góp phần tôn vinh giá trị nghệ thuật trong kiến trúc ở chùa Khmer.

Đường vào chùa BÔRÂYSÊRÂYCHUM, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, rợp bóng cây xanh.

Môi trường xanh bình yên ở chốn linh thiêng

Đứng cạnh cây sao to lớn phía sau chùa, sư Thạch Chanh, trụ trì chùa THOMMARANSAY (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A), cho biết: “Cây sao này được khoảng 30 năm rồi, chứng kiến những thay đổi của ngôi chùa cùng cuộc sống quanh đây”. Nói rồi, sư Thạch Chanh choàng tay quanh thân cây và nở nụ cười hạnh phúc, sau những tháng ngày được chăm chút, cây đã quá vòng tay của một người lớn. Xung quanh ngôi chùa này hầu như không có đất trống, diện tích đều dành để trồng cây, trồng hoa, tạo một môi trường xanh mát nơi linh thiêng của đồng bào Khmer.

Với phum sóc và phật tử các chùa Khmer, những cây lớn được mọi người xem như tài sản quý giá, được bảo vệ, trân trọng và mang trên mình thêm sứ mệnh sẻ chia… Sư Thạch Chích, trụ trì chùa KHEMARARANGXAY Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, nhớ lại, hồi đó chùa cũng có 2 cây sao lớn, trồng rất lâu năm, khi một ngôi chùa Khmer trên địa bàn thị trấn Cái Tắc có nhu cầu sử dụng gỗ để sửa chữa, nhà chùa sẵn lòng hạ cây để hỗ trợ. Điều đó cũng minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đại đoàn kết trong đồng bào Khmer.

Toàn tỉnh có 15 chùa Nam tông Khmer, mỗi ngôi chùa đều có những đặc trưng riêng, nhưng hầu như chùa nào cũng trồng nhiều cây xanh. Dưới tán cây xanh mát, trong những ngày lễ hội của đồng bào Khmer hoặc ngày rằm hàng tháng, các sư trụ trì lại nói cho phật tử xa gần nghe điều hay, lẽ phải, cách sống tốt, sống đẹp, để làm một công dân tốt.

Đường dẫn vào chùa RATANAPPABHÀ VARĂRĂM (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) ở hai bên cổng là những cây thốt nốt sừng sững, tôn vinh lên nét đẹp của cổng chùa nhiều màu sắc, được trang trí tỉ mỉ, cầu kỳ. Chỉ tay về cây cổ thụ giữa sân chùa, được trồng mấy mươi năm qua, đại đức Danh Tuấn, trụ trì chùa RATANAPPABHÀ VARĂRĂM, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Các chùa đều cố gắng trồng nhiều cây, vừa để tạo bóng mát, xây dựng cảnh quan và cũng là để dành cho những lúc sửa chữa, xây dựng, nâng cấp chùa. Phật tử gần xa khi đến chùa thấy có cây xanh đều bày tỏ sự hài lòng”.

Bà Thị Thủy sống ở cạnh chùa BÔRÂYSÊRÂYCHUM, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ,  bộc bạch: “Tôi sống ở đây gần cả đời người rồi. Từ khi lớn lên đã thấy ngôi chùa cổ kính ở đó cùng những hàng cây xanh thẳng tắp, đã chứng kiến nhiều cây cổ thụ được hạ xuống để phục vụ việc xây cất chùa, rồi những cây non mọc lên, sau mấy mươi năm đã thành cổ thụ. Phía bên chùa, có những cây bằng hoặc hơn tuổi tôi nữa đó chứ, cũng không ai nhớ cây mấy tuổi, chỉ biết rằng, cây đã sống bằng những người cao tuổi ở đây rồi. Đi vào chùa là thấy thư thái, đời sống nhe nhàng lắm”. Chùa BÔRÂYSÊRÂYCHUM là một trong những ngôi chùa có không gian xanh ấn tượng.

Dưới tàn cây lớn có những câu chuyện hay…

Những cây cổ thụ trồng khắp chùa khiến không gian thêm đẹp, mọi phật tử, cùng người dân đến đây cảm thấy như mình được che chở, tìm sự an bình. Có những ngôi chùa cất lên trên vùng đất có nhiều cây lớn, cũng có ngôi chùa khi xây dựng xong mới bắt đầu trồng cây xanh. Dưới những cây cổ thụ là những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, về lịch sử hình thành của những ngôi chùa.

Tôi đã được nghe kể những câu chuyện về Đức Phật, về sự linh thiêng ở những tán cây có giá trị tâm linh như bồ đề, sa la. Bồ đề là loài cây thiêng của Ấn Độ, có ý nghĩa đặc biệt đối với phật tử khắp nơi trên thế giới. Loài cây này gắn bó mật thiết với quá trình khổ luyện tu hành và thành đạo của Đức Phật Thích Ca. Loài cây có tuổi thọ lâu đời, sức sống bền bỉ, tàn cây đẹp, lá hình trái tim, các lá non màu hồng và xanh dần khi trưởng thành, rễ từ trên thân cây đâm xuống đất, tạo ra thân mới, trông uy nghiêm, hùng dũng… Còn cây sa la cũng có sự tích riêng: “Đúng giưa đêm, Đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng sa la nhập tứ thiền yên lặng mà Niết bàn. Liền đó, bốn cặp cây sa la: cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàn, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàn, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai…”.

Hơn 14 năm qua từ ngày thành lập tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Hậu Giang luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào Khmer. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Trong năm 2017, tổng nguồn vốn Trung ương bố trí cho Hậu Giang thực hiện cong tác dân tộc là hơn 15,4 tỉ đồng, để thực hiện dự án Đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ xây dựng lò hỏa táng cho đồng bào Khmer; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ… Ông Ký Hiếu Thanh, Phó ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cho biết, từ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đã góp phần quan trọng trong thay đổi bộ mặt nông thôn ở các ấp đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer. Có thể thấy, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được cải thiện, đồng bào dân tộc phấn khởi.

Đi vòng quanh chùa, dưới tán cây xanh mướt mắt, đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, chia sẻ ông thấy mừng vì cuộc sống của đồng bào Khmer ngày được nâng cao, tinh thần đoàn kết dân tộc được phát huy. Phum sóc sống cuộc sống êm đềm, mọi người đều quan tâm, chia sẻ, quý mến nhau, tình cảm xóm làng hòa quyện với tinh thần đoàn kết ở phum sóc. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp!

Bài, ảnh: BẢO NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>