Nỗi niềm lao động tự do

10/07/2019 | 07:06 GMT+7

Thu nhập không ổn định, chịu thiệt thòi khi không được đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động..., là chuyện của những lao động tự do. Vì gánh nặng mưu sinh, họ vẫn phải gồng mình làm việc mỗi ngày.

Nhiều lao động tự do như bà Thủy, vẫn chưa có điều kiện tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo an toàn lao động.

Trình độ học vấn thấp, lại quá tuổi lao động, vì cuộc mưu sinh, bà Phạm Thị Thủy, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, phải đi làm phụ hồ. Dẫu công việc khá nặng nhọc nhưng bà luôn cố gắng hết mình để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, bà Thủy cho biết: “Tôi giờ đã ngoài 50, lại không có bằng cấp, trình độ nên tìm kiếm việc làm cũng chẳng dễ dàng gì, muốn đi phụ quán hay vào công ty, xí nghiệp cũng chẳng ai chịu nhận. Bây giờ có việc làm, kiếm được thu nhập hàng ngày là mừng rồi”.

Mỗi ngày, bà Thủy làm việc 8 tiếng đồng hồ được chủ công trình trả công 160.000 đồng. Tuy nhiên, do tính chất công việc, cộng thêm những ngày nghỉ vì mưa gió, những ngày không có việc, nên trung bình mỗi tháng bà kiếm được khoảng 4 triệu đồng. Với số tiền kiếm được giúp gia đình bà trang trải chi phí hàng ngày. “Làm nghề mấy năm nay, chúng tôi có được chủ công trình ký hợp đồng hay sắm cho thứ gì gọi là bảo hộ lao động đâu. Lớn tuổi có được việc làm là mừng rồi, cho nên cũng đâu thắc mắc gì”.

Đồng cảnh những lao động nghèo, để có thu nhập trang trải cuộc sống, ngoài công việc phụ hồ, anh Nguyễn Văn Trường, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đã đi vác lúa mướn, không kể nắng mưa, không trang bị bảo hộ lao động và tất nhiên không có bảo hiểm phòng khi đau ốm. Anh Trường chia sẻ: “Công việc vác lúa mướn không có giờ giấc cụ thể. Ngày nào vác lúa nhiều thì được khoảng 300.000-400.000 đồng, ngày ít cũng được 200.000 đồng, cũng đủ sống qua ngày. Bây giờ còn sức khỏe còn làm, chứ sau này sức khỏe yếu không biết lấy gì mà sống”.

Vì là lao động tự do nên bà Thủy, anh Trường không tham gia loại hình bảo hiểm nào. Không những thiệt thòi về quyền lợi, lao động tự do còn đối diện với nhiều khó khăn khác như sớm mất sức lao động, không được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, không được ký hợp đồng lao động nên các chế độ về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cũng không có…

Thực tế đã có không ít vụ tai nạn lao động xảy ra, nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không trang bị bảo hộ lao động, không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động… Như trường hợp anh Đỗ Văn Lĩnh, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Cách đây vài năm, anh Lĩnh đi làm công nhân cho một hãng nước đá. Trong lúc cắt nước đá, chẳng may anh bị cắt trúng tay phải kẹp inox, không thể lao động nặng. Thế là anh không thể tiếp tục làm mà phải nghỉ việc trở về quê nhà. Dẫu bị tai nạn lúc đang làm việc, nhưng vì là lao động tự do, không có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với chủ lao động. Do đó, chi phí điều trị do anh lo liệu.

Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Tuy nhiên, do thời gian đóng kéo dài, cộng thêm thu nhập người dân còn bấp bênh nên mọi người chưa mặn mà tham gia. Ông Nguyễn Văn Nhành, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi làm phụ hồ đã mấy năm nay. Khi đi làm, tôi cũng thấy nhiều trường hợp anh, chị, em làm chung bị đạp đinh, hoặc gạch rơi trúng người… nghĩ cũng sợ, nhưng do thời gian tham gia bảo hiểm kéo dài, nên tôi không đủ điều kiện để tham gia”.

Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các ngành, các cấp cần tuyên truyền để nâng cao hiểu biết, kiến thức về các chế độ BHXH, BHYT, cũng như pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động đến người lao động. Qua đó, giúp người lao động biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân khi tham gia quan hệ lao động…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>