Nói được sau gần 10 năm câm điếc bẩm sinh

05/10/2017 | 07:47 GMT+7

Đó là trường hợp của em Bùi Quốc Thái, 10 tuổi, học sinh lớp 3B, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang.

Em Thái luôn tự tin đọc to trong mỗi giờ học.

Niềm vui bất ngờ

Trong giờ học tiếng Việt, tìm các hình ảnh so sánh trong các đoạn thơ, trong khi các bạn khác trong lớp phải dùng động tác, cử chỉ tay để học, trao đổi cùng cô giáo thì em Thái lại rất tự tin đứng lên phát biểu bài. Tuy câu nói chưa được tròn vành, rõ chữ nhưng mỗi lời em nói ra làm cho cô giáo rất vui và cảm động. Cô Lê Thị Lý Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp em vui mừng, chia sẻ: “Mừng lắm em ơi, trong lớp dạy 5 em khiếm thính. Chỉ có mỗi mình em là có thể đọc được, đây là một điều bất ngờ với tôi. Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp học cùng các bạn, tôi cố gắng trao đổi, nói chuyện với em nhiều hơn để em quen và có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ lời nói bình thường”.

 Theo cô Huệ chia sẻ, lúc đầu khi nghe phụ huynh em nói Thái đã nói chuyện được, nhà trường, giáo viên không tin, nhưng khi được tận tai nghe em đọc bảng cửu chương “hai nhân hai là bốn” mà cô trò rơi nước mắt không nói được nên lời. Em Thái bập bẹ chia sẻ: “Em thấy cô chủ nhiệm mừng lắm, cô ôm em không nói lời gì. Từ đó, cô với em nói chuyện nhiều hơn, không còn sử dụng cử chỉ tay. Cô còn cùng em hát nữa”.

Từ khi nói được, em Thái bộc lộ rõ hơn sở thích học toán và mê ca hát. “Con cò bé bé”, “Cả nhà thương nhau”… được em hát ngân nga cùng thầy cô và các bạn mỗi giờ ra chơi. Mẹ của em, chị P.T.M. bộc bạch: “Sinh con ra, vui mừng nhất là khi thấy hình dáng con mình lành lặn không bị khiếm khuyết nào. Nhưng mãi đến khi cháu 20 tháng tuổi, Thái vẫn chưa bập bẹ nói, âm thanh có lớn cũng không hề phản ứng theo. Lo sợ, hai vợ chồng mang con đi khám tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng kết quả trả về đều là: Con không thể nghe nói như trẻ bình thường”…

Buồn, lo lắng nhưng bằng tình thương, sự quyết tâm không thể để con bị khiếm khuyết suốt đời, gia đình em Thái đã tìm mọi cách để chữa trị cho con.

84 lần đưa con đi Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh

Tình cờ biết được “Chương trình can thiệp sớm dành cho trẻ em câm điếc bẩm sinh”, gia đình như được thắp lên tia hy vọng mới. Năm em Thái 3 tuổi, gia đình đã tích góp tiền dành dụm đã mua máy trợ thính cho con đeo khi đó cũng gần 28 triệu đồng. Rồi cứ mỗi tháng 1 lần, 7 năm qua mẹ ẵm con lên bệnh viện trên thành phố để kiểm tra cho con và điều chỉnh máy trợ thính phù hợp từng giai đoạn cho con. Không biết bao nhiêu tiền của đã bỏ ra, chạy vạy nợ đủ chỗ và kết quả mang lại là em Thái đã nói chuyện được. Ông Trần Văn Thiên, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Có cơ hội nào cho con, bằng mọi cách gia đình em Thái đều không từ bỏ. Việc cố gắng đổi máy trợ thính phù hợp cho em, tích cực học tập cùng em. Ngày 2 buổi, 4 lần đưa rước con đến trường. Rồi ban đêm chở con đi tập luyện… có lẽ chính sự nỗ lực đó đã tạo nên kỳ tích bất ngờ”. Nói vài dòng, nhưng đó là cả hành trình dài đầy sự lo lắng, hồi hộp, chờ đợi, với tấm lòng cha mẹ, phụ huynh em Thái chia sẻ rằng họ hy vọng dù biết mong manh. Bởi có nhiều đứa trẻ cũng chữa trị như con mình nhưng không thành công.

Niềm vui, sự hạnh phúc đang là động lực để gia đình và nhà trường tích cực hỗ trợ để em Thái học tập tốt và sớm có thể hòa nhập, sinh hoạt, vui chơi, giao tiếp như bao trẻ em bình thường. Ông Trần Văn Thiên, Hiệu trưởng trường, cho biết thêm: “Khi nhận em vào học tại trường, em cũng như bao học sinh khác, bị khuyết tật từ nhỏ, không thể nghe, không thể nói. Sau hơn 3 năm học tập, em đã là một trường hợp biết nói duy nhất từ trước đến nay mà tôi gặp. Vì thế, nhà trường sẽ luôn tạo điều kiện để em học tập, luyện thêm các kỹ năng giao tiếp để em có thể học tập, hòa nhập cùng bạn bè trang lứa khi vào học lớp 6, học trường bình thường mà không phải học trường chuyên biệt nữa”.

Thái đã có thể nghe và nói khoảng 70% so với người bình thường. Em Thái là một tấm gương về sự luyện tập cũng như sự nuôi dạy, chăm sóc con tốt của gia đình. Có lẽ, nếu không có sự cố gắng tạo điều kiện cho con đeo máy trợ thính từ nhỏ, nếu không có sự tận tụy, rèn luyện của mẹ em, sự quan tâm tận tình hỗ trợ của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm chắc sẽ không có sự kỳ diệu như thế này. Em Nguyễn Hoàng Nam, học sinh khiếm thính lớp 2B, của trường thổ lộ (qua giải nghĩa của cô giáo): “Em hy vọng mình cũng may mắn có thể nói được như bạn Thái…”.

Năm học 2017-2018, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh có tổng số 44 học sinh. Trong đó, có 2 em khiếm thị, 42 em khiếm thính. Đại diện nhà trường cho biết, trường có 2 học sinh bị khiếm thính như em Thái sẽ có thể nói chuyện được nếu được sự hỗ trợ, tạo điều kiện trang bị máy trợ thính nghe từ bây giờ. Nhà trường hiện chưa có điều kiện mua các loại máy này, vì giá cả khá đắt đỏ…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>