Nỗi đau tai nạn lao động

16/05/2018 | 08:54 GMT+7

Tai nạn lao động đã để lại nỗi đau dai dẳng, hậu quả nó không chỉ là vết thương về thể xác, tinh thần mà còn là gánh nặng mưu sinh cho mỗi gia đình.

Chồng mất đi, chị U. vừa làm mẹ vừa làm cha để lo cho hai đứa con.

Tai nạn lao động - không chừa một ai

Cách đây 7 năm, ông Lương Văn T., ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, bị tai nạn lao động. Từ là trụ cột kinh tế gia đình, giờ đây, ông T. chỉ có thể quanh quẩn ở nhà. Ông T. chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2006 tôi rời quê nhà đi tỉnh Bình Dương làm việc trong một công ty chuyên sản xuất bàn, ghế salon và tủ bằng gỗ. Trong thời gian làm việc tại đây, dẫu đã cẩn thận nhưng tôi đã bị tai nạn lao động đến 3 lần. Thấy mình là gánh nặng gia đình”.

Mắt nhìn xa xăm, ông T. nói tiếp, liên tiếp trong 2 năm 2010 và 2011, ông đã bị tai nạn lao động đến 3 lần. Lần đầu, ông bị đứt mất một ngón tay, lần thứ hai ông bị cây gỗ đâm thủng bụng trúng vào gan, vụ tai nạn này làm ông mất sức lao động 47%. Sau khi được công ty hỗ trợ tiền điều trị ổn định sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông tiếp tục trở lại công ty làm việc. Và lần thứ ba tai nạn lao động lại tiếp tục ập đến với ông. “Lúc đó, khi đang làm việc, tôi bị cây gỗ đập trúng vào đầu, gây chấn thương não. Sau khi điều trị vết thương ở đầu, cùng với hai vết thương trước, khiến tôi thấy mình không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, nên tôi xin nghỉ việc về nhà”, ông T. bộc bạch.

Tai nạn lao động xảy ra, không chỉ bản thân người bị nạn mất sức lao động, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Như trường hợp anh Trương Phước Tr., ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ. Chị Đặng Thị U. (vợ anh Tr.) không sao quên được cái ngày bi thảm ấy, bởi chị đã vĩnh viễn mất đi người chồng, con chị mất đi người cha. Và gần một năm trôi qua, chị U. vẫn chưa thể vượt qua nỗi đau ấy. “Không còn anh là một mất mát lớn với mẹ con tôi, giờ đây tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha để lo cho bọn trẻ. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn”, chị U. tâm sự.

Nhìn di ảnh chồng, rơm rớm nước mắt, chị U. cho biết: “Anh Tr. làm thầu xây dựng nhà, hôm xảy ra sự việc là ngày lợp nhà cho chủ. Lúc ấy, anh đưa cây đòn tay bằng sắt lên để chuẩn bị lợp nhà, chẳng may bị chập điện, anh bị té xuống đầu đập vào thềm nhà. Ngay lập tức, mọi người đưa anh đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để cấp cứu, nhưng bác sĩ cho hay anh đã mất. Lúc mấy anh em công nhân cho tôi hay anh Tr. bị chập điện té ngã, lúc đó đầu óc tôi quay cuồng không biết gì nữa”. Điều đáng nói ở đây là dẫu làm thầu xây dựng nhưng anh Tr. không có trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.

Anh Tr. ra đi bỏ lại người vợ và hai đứa con với nỗi đau khôn nguôi cho gia đình. Lau vội giọt nước mắt, chị U. cho biết, anh Tr. rất siêng năng, chăm chỉ, trước giờ mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng như chuyện học hành của hai đứa con đều do một tay anh lo liệu, bởi chị bị bệnh bướu cổ, tăng huyết áp… thường xuyên bị mệt nên chẳng làm được gì. Anh ra đi khi chưa kịp thực hiện lời hứa cùng người con trai. “Thằng Tính (con trai lớn chị U.) thường hay nói với cha rằng con thích học sư phạm tiếng Anh, khi ấy anh Tr. nói con ráng học giỏi, cha sẽ đi làm để lo cho con ăn học. Anh mới hứa vậy mà…”, chị U. nghẹn ngào.

Từ ngày anh Tr. mất đi, chị U. phải vất vả mưu sinh để lo cuộc sống gia đình. Hiện tại, chị mở quán bán bún vào buổi sáng, ngày nào đắt cũng được 70.000-80.000 đồng, đủ tiền xoay xở trong ngày. Điều mà chị U. lo lắng là những khi chị mệt, không thể buôn bán thì ngày đó coi như chẳng có tiền, rồi còn chuyện học hành của hai đứa con.

Còn rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương khác khi bị tai nạn lao động.

Phòng ngừa không để xảy ra sự cố đáng tiếc

Tai nạn lao động luôn rình rập và chẳng ai có thể đoán được. Chỉ cần sơ sẩy trong một tích tắc đã phải đánh đổi cả tính mạng và để lại sau lưng là biết bao nỗi đớn đau cho người thân. Có thể thấy rằng, để hạn chế số vụ tai nạn lao động thì cần sự chú tâm từ cả hai phía, trong đó người sử dụng lao động cần chú ý đến việc trang bị bảo hộ an toàn lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn. Người lao động trực tiếp cần tuân thủ quy định làm việc, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi vào làm việc.

Phát biểu tại lễ phát động Tháng an toàn, vệ sinh lao động, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp, công ty, người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các giải pháp phòng ngừa không để xảy ra tai nạn lao động. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực, ngành phụ trách. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động để hưởng ứng Tháng hành động. Rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng. Tổ chức huấn luyện đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo quy định...

Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ tai nạn lao động, 50 người bị nạn. Trong đó, có 7 người bị thương nặng.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>