Nhiều giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm

17/02/2017 | 09:12 GMT+7

Tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai nhiều đợt thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là giải pháp mà Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) huyện Vị Thủy thực hiện thời gian qua, nhằm đảm bảo không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện.

Đảm bảo an toàn ở bếp ăn tập thể

Với số lượng trẻ khá nhiều nên việc đảm bảo VSATTP được Ban Giám hiệu Trường Mầm non Họa Mi, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đặc biệt quan tâm. Bà Trần Thị Ái LiềL, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, cho biết: “Trường có tổng số 416 trẻ, trong đó có 370 trẻ ăn bán trú tại trường. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em, trường luôn chú ý mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc. Tất cả thực phẩm đều có ký hợp đồng với nơi cung cấp nguyên liệu”. Bếp ăn của trường được xây dựng đạt chuẩn bếp một chiều, có đầu vô và đầu ra của thực phẩm.

Lưu mẫu thực phẩm được thực hiện nghiêm túc tại Trường Mầm non Họa Mi, huyện Vị Thủy.

Trường Mầm non Họa Mi luôn tuân thủ tất cả các quy định về an toàn thực phẩm. Không chỉ khám sức khỏe cho 5 bảo mẫu phụ trách nấu ăn cho các em mà còn khám sức khỏe cho cả giáo viên giữ trẻ. Các cô bảo mẫu đều có xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, có trình độ sơ cấp chế biến thức ăn. Bảo mẫu Mai Thị Thu Sương, 3 năm làm việc ở bếp ăn của trường, khẳng định: “Hoạt động chế biến được chúng tôi thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi chế biến sạch sẽ, ngăn nắp. Khi chế biến đều mang bảo hộ lao động theo quy định. Quy trình chế biến một chiều, có đầu ra cho thực phẩm đã chế biến riêng. Qua khám sức khỏe hàng năm, các cô bảo mẫu đều có sức khỏe tốt. Việc lưu mẫu thức ăn theo quy định cũng được thực hiện hàng ngày, đảm bảo lưu mẫu thực phẩm 24 giờ trong tủ lạnh”. Mỗi ngày, bếp ăn của trường phục vụ trẻ học ở đây bữa sáng, cơm trưa và ăn nhẹ chiều.

Đạt được kết quả đó là nhờ địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền và thanh, kiểm tra. Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng Y tế huyện Vị Thủy, cho biết: “Trong các đợt kiểm tra về an toàn thực phẩm của huyện, chúng tôi luôn quan tâm kiểm tra các bếp ăn tập thể ở nhà trường, cơ quan, các quán dịch vụ ăn uống. Hầu hết các trường đều tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ngoài các bếp ăn cho trẻ học bán trú, căng tin các trường cũng có chuyển biến tốt về việc mua hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng để bán cho các em học sinh”.

Ở huyện Vị Thủy, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đa số nhỏ lẻ, không có cơ sở lớn và số lượng ít nên công tác quản lý, kiểm tra cũng có nhiều thuận lợi. Trên địa bàn huyện có 471 cơ sở, trong đó nhiều nhất với 433 bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống.

Nhưng khó quản lý hàng rong, thức ăn đường phố…

Dịch vụ ăn uống hàng rong và thức ăn đường phố thu hút rất nhiều thực khách, tuy nhiên, việc quản lý được các xã, thị trấn của huyện nhận định rất khó khăn. Ông Lâm Nom, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Nàng Mau, cho biết: “Đối với những người bán hàng rong thường buôn bán không cố định, còn bán thức ăn hè phố thì có nơi. Tuy nhiên, do buôn bán số lượng ít nên các dịch vụ này hầu như không thực hiện được các quy định về an toàn thực phẩm. Nguyên liệu chế biến đa số người bán mua ở chợ. Tuy nhiên, không quản lý được nguồn gốc. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo quản thực phẩm, sức khỏe người buôn bán cũng chưa biết được. Chúng tôi cũng kiểm tra, tuyên truyền vận động mọi người mua thực phẩm có nguồn gốc, đậy kín thức ăn,… để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu có vi phạm chưa xử phạt được vì giá trị gánh hàng quá nhỏ, người bán cũng có cuộc sống khó khăn”.

Công tác quản lý đối với các dịch vụ bán hàng rong, thức ăn đường phố thật không dễ dù huyện đã phân cấp quản lý các cơ sở này cho các xã, thị trấn để tiện việc kiểm tra, tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng Y tế huyện Vị Thủy, cho biết thêm: “Hiện tại, số lượng người bán hàng rong, bán thức ăn đường phố vẫn rất khó thống kê. Thực tế điều kiện vệ sinh ở các dịch vụ này khó đảm bảo được. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm kiểm tra, nhắc nhở đối với các đối tượng buôn bán hàng rong, thức ăn đường phố để mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hoạt động truyền thông theo chiều rộng sẽ được tăng cường trên các loa truyền thanh huyện, truyền thanh của xã, thị trấn, phát tờ rơi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ được triển khai bên cạnh các đợt thanh, kiểm tra và tuyên truyền trực tiếp”.

Có thể thấy, dù còn có những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý và nhận thức người dân về an toàn thực phẩm, nhưng khoảng 10 năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, đây là kết quả đáng mừng qua quá trình nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm của huyện.

Vừa qua, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện đã kiểm tra 471 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 11 cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy khám sức khỏe hết hạn, điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đạt dù các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và buộc các cơ sở khắc phục ngay nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>