Nguy cơ ngộ độc thực phẩm rình rập

28/07/2020 | 08:04 GMT+7

Thức ăn đường phố, những quán ăn quy mô nhỏ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, với giá rẻ, hợp túi tiền, nhất là ở các khu đô thị, khu công nghiệp thì càng phát triển hơn. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, quán ăn nhỏ còn nhiều vấn đề phải bàn...

Quản lý, tuyên truyền về an toàn thực phẩm ở các quán ăn nhỏ, xe đẩy hàng rong… cần được quan tâm nhiều hơn.

Quản lý khó khăn

Cách đây không lâu, tại ấp 7B1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, mấy mẹ con chị Tạ Thị Huệ phải nhập viện trong tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì và chả của người đi bán dạo, khiến cả nhà chị hết sức lo lắng về nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi mua thức ăn đường phố. Chị Huệ bộc bạch: “Tôi được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bác sĩ yêu cầu nhập viện nhưng do 3 người con cũng bị ngộ độc thực phẩm và nằm viện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh nên tôi xin không nhập viện để có thể chăm sóc con. Các cháu nằm viện cả tuần mới bớt, bác sĩ cho về nhà nhưng vẫn còn hơi đau ở bụng. Cán bộ y tế đã xuống hỏi và lấy đòn chả để đi xét nghiệm. Không biết sao mà phòng, vì trước giờ cũng ăn mà không có bị ngộ độc”.

Cũng ở huyện Vị Thủy, khoảng hơn tháng trước xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 12 học sinh Trường THPT Vị Thủy sau khi ăn bánh mì thịt trước cổng trường và bị nôn ói. Kết quả xét nghiệm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do bánh mì thịt nhiễm coliforms, staphylococcus aureus vượt giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học theo quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Diễm Thúy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: “Sau ngộ độc việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp khó khăn”.

Thực trạng quản lý an toàn thực phẩm đối với các dịch vụ ăn uống nhỏ, thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm, Trưởng trạm Y tế phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy: “Số lượng người bán rất nhiều, có 56 cơ sở dịch vụ ăn uống và 147 cơ sở bán thức ăn đường phố. Dù công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên khó khăn một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định cập nhật kiến thức và khám sức khỏe định kỳ. Các cơ sở thuê mướn lao động mang tính thời vụ, việc buôn bán không ổn định, thường xuyên thay đổi, một số người bán dạo di chuyển nhiều khu vực rất khó kiểm soát”.

Xử lý vi phạm cũng không dễ

Đặc biệt là ở các khu công nghiệp, các quán ăn, thức ăn đường phố tập trung buôn bán để phục vụ nhu cầu người lao động là công nhân các công ty, xí nghiệp. Ông Nguyễn Thành Lợi, cán bộ phụ trách công tác an toàn thực phẩm Trạm Y tế xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cho biết: “Xã quản lý trên 100 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, tập trung nhiều ở khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. Bán vào sáng sớm khi công nhân đến công ty làm chút xíu dọn đi và khi tan ca chiều. Chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn người bán hàng rong mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác, khám sức khỏe,… tuy nhiên, rất khó quản lý. Nhiều người buôn bán không có lợi nhuận nên nghỉ bán rồi đổi người khác liên tục nên hoạt động tuyên truyền hướng dẫn các thủ tục cũng phải thực hiện thường xuyên”.

Công tác xử lý vi phạm cũng rất khó khăn. Bà Phạm Hồng Nhị, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Cơ sở nhỏ, bán hàng rong thu nhập thấp, giá trị gánh hàng không nhiều nên khó xử phạt khi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Nếu xử phạt có thể sẽ phải nghỉ bán, ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống càng khó khăn,…”. Đây là trăn trở của những người quản lý an toàn thực phẩm tỉnh đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ và thức ăn đường phố.

Chia sẻ về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Cẩm, Trưởng trạm Y tế phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, cho biết thêm: “Dù chưa xử phạt được, nhưng sau khi kiểm tra nếu cơ sở nào vi phạm, giải pháp của địa phương là buộc ngừng bán khắc phục vi phạm, đảm bảo đúng các quy định về an toàn thực phẩm mới được buôn bán lại. Đây cũng là một cách để giúp kiểm soát an toàn thực phẩm ở các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Những tháng đầu năm nay, ngành chức năng đã kiểm tra trên 1.900 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tỷ lệ đạt trên 84% và hầu như không xử lý vi phạm hành chính nhưng hầu hết chỉ nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thực tế, vẫn có những trường hợp người buôn bán hàng rong ý thức được trách nhiệm của mình khi buôn bán. Bà Huỳnh Siêu Mai, bán hàng rong ở phường Ngã Bảy, bộc bạch: “Mình buôn bán, phải bán thức ăn an toàn mới có thể bán lâu dài cho người ăn. Tôi bán bánh chiên bột nhân thịt, bánh chuối,… sử dụng dầu ngày nào cũng mới, không sử dụng lại dầu cũ. Quá trình chế biến đảm bảo sạch sẽ để người dân an tâm dùng”.

Trước thực trạng khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở dịch vụ ăn uống nhỏ, thức ăn đường phố thì ngoài tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý của ngành chức năng thì quan trọng cần có ý thức tốt từ những người buôn bán.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>