Người nuôi heo điêu đứng

26/04/2017 | 09:07 GMT+7

Những năm qua, chăn nuôi heo được xem là mô hình góp phần cải thiện kinh tế gia đình cho nhiều nông hộ. Thế nhưng hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đang điêu đứng vì giá heo hơi lẫn sản phẩm thịt trên thị trường liên tục sụt giảm.

Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với rủi ro lỗ nặng do giá heo xuống thấp.

Những tháng qua, khi heo hơi trên thị trường liên tục rớt giá thì hầu hết người chăn nuôi trong tỉnh phải đối mặt với tình cảnh thua lỗ. Cũng như bao hộ nuôi heo khác, chị Nguyễn Thị Nhí, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đang “đứng ngồi không yên” bởi giá heo hơi trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Hiện tại, chị Nhí có gần 20 con heo chuẩn bị xuất bán, nhưng thương lái chỉ thu mua ở mức 26.000-27.000 đồng/kg.

Chị Nhí than vãn: “Chưa bao giờ giá heo rớt xuống thấp đến vậy. Tháng trước, tôi bóp bụng bán 30 con heo tơ với giá 30.000 đồng/kg, mỗi con lỗ gần 1 triệu đồng. Tưởng rẻ vậy là cùng, nhưng không ngờ bây giờ giá heo hơi tiếp tục giảm thêm 3.000-4.000 đồng/kg, quả thật càng nuôi càng lỗ. Thế mà mấy cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi thấy giá heo liên tục giảm nên không dám bán thiếu nữa, buộc lòng tôi phải bỏ tiền mặt ra mua. Cho nên, heo được chừng 80-90kg là tôi phải kêu lái bán dần. Mắc rẻ gì cũng phải bán, chứ để hơn 100kg/con thì sẽ bị ép giá thấp xuống nữa, lúc đó càng thê thảm hơn”.

 Theo tính toán của người dân, để nuôi một con heo từ nhỏ đến khi xuất bán phải tốn ít nhất khoảng 4 bao thức ăn, mỗi bao trung bình khoảng 400.000 đồng, chưa kể là tiền mua con giống gần 1 triệu đồng/con, cũng như chi phí tiêm ngừa các loại bệnh. Nếu bán với mức giá 27.000 đồng/kg thì mỗi con heo 100kg, người nuôi chỉ thu được 2,7 triệu đồng. Cho nên, thời gian gần đây, không ít hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh chọn giải pháp an toàn là “treo chuồng”.

Bà Lê Thị Nương, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, ngán ngẩm cho hay: “Bây giờ tôi không còn mặn mà với chuyện chăn nuôi heo nữa. Bởi giá heo hơi trên thị trường đang diễn biến khó lường, còn thức ăn chăn nuôi thì duy trì ở mức cao. Thế mà khi xuất bán vào thời điểm này lại bị thương lái chê đủ thứ. Nếu nuôi heo nái để bán con giống thì không có người mua. Đó là chưa nói đến rủi ro dịch bệnh”.

Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy, hay thành phố Vị Thanh, nhiều tiểu thương cũng đang “than ngắn thở dài” vì sức mua ít. Chị Lê Thị Kiều Trang, chuyên mua bán thịt heo ở chợ Phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Dù giá thịt heo rẻ nhưng chẳng hiểu sao sức mua của người tiêu dùng lại giảm hơn trước khá nhiều. Giờ mỗi ngày tôi bán được nửa con heo là cùng. Thậm chí có ngày ế ẩm, tôi phải ráng ngồi bán cho tới buổi chiều”.

Chính vì giá heo hơi liên tục sụt giảm nên kéo theo giá các loại thịt heo được bày bán ở các chợ trong tỉnh cũng đồng loạt giảm giá đáng kể. Cụ thể, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2017, giá heo hơi được thương lái thu mua khoảng 29.000-30.000 đồng/kg, còn giá thịt đùi và ba rọi giữ mức 60.000-65.000 đồng/kg. Nhưng từ khi giá heo hơi giảm xuống còn khoảng 26.000-27.000 đồng/kg thì giá thịt đùi và ba rọi chỉ còn 50.000-55.000 đồng/kg. Với mức giá này, tuy người tiêu dùng hưởng lợi nhưng đã tác động rất lớn đến sinh kế của không ít hộ chăn nuôi heo thịt trong tỉnh.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, thông tin: Đây là thực trạng mà người chăn nuôi heo cả nước đang phải đối mặt chứ không riêng gì ở Hậu Giang. Được biết mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ xem xét hướng hoãn nợ cho những hộ vay vốn phát triển chăn nuôi heo. Riêng góc độ của tỉnh, trước mắt chúng tôi khuyến cáo người dân giảm quy mô đàn heo thịt. Về giải pháp lâu dài, ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện việc khuyến khích chăn nuôi tập trung, hạn chế việc tự phát, tăng đàn ồ ạt như thời gian qua.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>