Mưu sinh mùa nước nổi

16/10/2018 | 06:57 GMT+7

Hàng năm, mỗi khi mùa nước nổi tràn đồng, thì người dân lại tất bật với các phương tiện mưu sinh...

Ngoài đẩy côn, vợ chồng ông Hà, bà Sẻn còn tranh thủ bắt ốc bươu vàng luộc lể thịt bán.

Những ngày này, tranh thủ nước nổi về, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hà, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, cũng chuẩn bị dàn côn để kiếm cá. Có dịp quan sát ông Hà “hành nghề” mới thấy đây là công việc khá thú vị. Đi phía sau, ông Hà đẩy chiếc xuồng có đặt dàn côn về phía trước. Nếu im lặng, mọi người có thể sẽ lắng nghe được tiếng “leng keng” của dàn côn khi chúng va chạm vào nhau dưới nước. Theo ông Hà, mùa nước nổi ở đây rất hiền hòa khác hẳn với các mùa lụt tàn phá dữ dội ở miền Bắc, miền Trung. Nước dâng cao lên từ từ rồi tràn qua các bờ ruộng làm ngập các cánh đồng, sau đó rút từ từ, mang theo biết bao sản vật do thiên nhiên ban tặng. “Tranh thủ nước lên, tôi đi đẩy côn để kiếm cá. Với tôi đẩy côn không chỉ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, mà còn là niềm vui”, ông Hà chia sẻ.

Ngoài đẩy côn kiếm cá, vợ chồng ông còn tranh thủ bắt ốc bươu vàng, sau đó luộc, lể lấy thịt bán cho cơ sở thu mua. Bà Lương Thị Sẻn, vợ ông Hà, bộc bạch: “Ngoài đẩy côn, vợ chồng tôi làm thêm công việc này, nghề làm chơi mà ăn thiệt. Mỗi đêm, chồng tôi cũng bắt được vài chục ký ốc bươu vàng, sau khi luộc, lể thịt xong cũng còn mười mấy ký, cũng kiếm được trăm mấy, gần hai trăm ngàn đồng mỗi ngày”.

Khi nước tràn về các cánh đồng, cũng là mùa mưu sinh của nhiều hộ dân. Mỗi người chuẩn bị cho mình khoảng chục tay lưới, câu, lọp,… để khai thác nguồn lợi thủy sản trong mùa nước nổi. Gắn bó với nghề giăng lưới, nên năm nào ông Nguyễn Văn Ninh, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cũng hy vọng một mùa nước nổi đẹp, mang theo nhiều sản vật. Mấy ngày nay, nước tràn về mênh mông trên các cánh đồng, ông Ninh cũng tranh thủ thời gian đưa cháu đi học rồi đi giăng mấy tay lưới, ông Ninh cho biết: “Mùa nước nổi về là thời điểm gia đình tôi bắt đầu hành nghề giăng lưới để có thêm nguồn thu nhập, có tiền trang trải thêm cho cuộc sống. Năm nay, nước về sớm, cá cũng nhiều hơn, chúng tôi hy vọng mùa nước nổi năm nay sẽ “sống khỏe” hơn”.

Mỗi ngày, với 3 tay lưới dài trên 200m, ông Ninh có thể kiếm 4-5kg cá các loại. “Chiến lợi phẩm” thu được, ông mang về bán cho các tiểu thương ở các chợ, kiếm từ vài chục đến hơn trăm ngàn đồng để đổi lấy tiền mua gạo, tích cóp trang trải cuộc sống và lo cho các cháu đi học.

Tương tự, mùa nước nổi năm nay gia đình anh Phạm Hồng Thật, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cũng chuẩn bị cho mình cái côn để mưu sinh. Dù cực mấy nhưng mỗi buổi sáng chở cá đồng ra chợ bán là trong lòng anh rộn rã niềm vui. “Nước nổi về đồng nghĩa với mùa khai thác thủy sản của người dân lại bắt đầu. Khi nước dâng cao, những nghề như giăng lưới, đặt lọp, đẩy côn... rất được bà con ưa chuộng, vì dễ làm, không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư lại đáp ứng được nhu cầu mưu sinh”, anh Thật cho hay.

Không chỉ có cá, tôm mùa nước nổi về còn mang về nhiều sản vật thiên nhiên như bông súng, bông điên điển. Đây là những món đặc sản đối với thực khách, cũng là các sản vật quý giá đối với những người dân nghèo, có thể giúp họ kiếm được vài chục, thậm chí vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.

Mùa nước nổi về mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng và nhiều nguồn lợi thủy sản, bởi vậy, ai cũng mong muốn mùa nước nổi đến sớm lên chậm và kéo dài, bởi đó là món quà mà thiên nhiên ban tặng và là nguồn sống của không ít gia đình…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>