Một thời chiếu bóng

28/04/2017 | 08:14 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Thành xem lại từng trang hồi ký về thời đáng nhớ của điện ảnh…

Tôi đã tìm gặp những người trực tiếp làm công việc này, để nghe kể lại những câu chuyện đong đầy cảm xúc, khi một thời chiếu bóng được xem như phương tiện giải trí... rất sang.

Nhớ Đội Điện ảnh năm xưa

Đội Ảo đăng, tiền thân của Đội Điện ảnh, thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ được thành lập từ năm 1963 để phục vụ người dân vùng giải phóng. Lúc đầu chỉ có 3-4 người. Đèn chiếu thời đó là đèn măng sông, nên chiếu một hồi phải nghỉ để châm dầu và bơm hơi cho đèn. Lúc này, là các anh chị trong đội văn nghệ địa phương sẽ phục vụ văn nghệ để “giết” thời gian. Những bộ phim thường chiếu về Lễ độc lập 2-9, hoạt động cách mạng của Bác Hồ, chiến thắng Điện Biên Phủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc…

Năm 1966, Đội Điện ảnh được thành lập với 5 người, căn cứ đầu tiên là ở xã Tân Bình (Phụng Hiệp). Để chuẩn bị cho việc chiếu phim phục vụ, 2 người phải đi bộ về tận tỉnh Cà Mau để nhận phim, 3 người ở lại xây dựng hầm bí mật và quan trọng là phải nhờ người mua máy chiếu phim 16 ly tận Sài Gòn. Cuối cùng, đêm chiếu phim đầu tiên cũng được ra mắt và đó được chọn là Ngày thành lập Đội Điện ảnh tỉnh Cần Thơ (10-4-1966)…

5 giờ chiều, đội chiếu phim phải tới nơi chiếu để chuẩn bị.

Từ đó, Đội Điện ảnh hoạt động liên tục, phục vụ bà con vùng giải phóng. Mỗi lần đội về là bà con xem rất đông, có khi lên đến 4.000 người. Ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, nhớ lại: “Để đi đến điểm chiếu là cả quá trình gian nan. Chở toàn đồ nặng hàng trăm ký trên chiếc tam bản, gồm máy BS9, thùng đựng phim nhựa, máy chiếu phim, thùng đựng màn bạc, âm ly, loa phóng thanh… toàn là đồ kỵ nước. Cực khổ vậy, nhưng đến được nơi chiếu, thấy bà con xếp hàng ngay ngắn ngồi chờ, là anh em chúng tôi quên hết mệt nhọc”. Ông Nguyễn Văn Thành đã tham gia suốt ở đội từ năm 1967-1975, từ nhân viên, đến đội phó, rồi Đội trưởng Đội Điện ảnh tỉnh Cần Thơ, ông đã đi nhiều và cảm nhận được sự khát khao hưởng thụ giá trị tinh thần của người dân, nên dù cực khổ, có lúc đối diện với cái chết, ông vẫn kiên trì, động viên anh em trong đội hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Trong suốt thời gian đó đến năm 1975, việc chiếu phim được thực hiện liên tục, vừa phục vụ người dân, vừa làm công tác tuyên truyền. Đi đến đâu, cũng được mọi người tiếp đón nồng nhiệt. Niềm vui vẫn còn đong đầy trong câu chuyện ông kể cho tôi nghe… Câu chuyện đó luôn được ông kể lại với con cháu mình, với những thế hệ đàn em, để mọi người hiểu về chiếu bóng thời chiến, cũng hào hùng, cũng oanh liệt không kém những người trực tiếp cầm súng…

Ký ức hoàng kim

Sau năm 1975, mỗi huyện của tỉnh Cần Thơ đều có đội chiếu phim lưu động, tiếp tục vừa tuyên truyền, vừa phục vụ người dân. Khán giả lúc này cũng đông không kém thời chiến. Phương tiện, đường sá khó khăn, đa phần mọi người đi bằng ghe có mui như ghe hàng. Mỗi đợt cả tháng mới về. Bà con xem đông nghẹt. Ông Nguyễn Hồng Tươi, dựng phim viên, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, nhớ lại: “Năm 1979, tôi vào làm soát vé ở rạp Mỹ Thanh, nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh, rạp chiếu cũng đông nghẹt không thua đi chiếu phim phục vụ ở nông thôn. Người dân đến xem phim xếp hàng dài hết khoảng sân rộng mấy chục mét. Phim lúc đó cũng là dòng phim chiến tranh, lịch sử, những câu chuyện cảm động về tình yêu thời chiến”. Thời hoàng kim của phim màn ảnh rộng kéo dài đến khoảng năm 1996, khi video gia đình ra đời, các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, người dân mua ti vi, đầu video… Người dân bắt đầu ít đến rạp hơn. Rạp dần vắng khách và đến lúc phải nghỉ. Các đội chiếu phim lưu động vẫn tiếp tục bám trụ ở cơ sở, nhưng số lượng khán giả thưa dần…

Thời điểm hiện tại, chiếu phim vẫn được duy trì, mỗi năm ra quân vài đợt chiếu, vào những dịp lễ, kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, nhưng thưa thớt khán giả. Anh Nguyễn Văn Chương, Đội trưởng Đội Chiếu phim lưu động, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Mỗi điểm chiếu vài chục người xem đã là mừng rồi. Có lẽ, giờ có quá nhiều phương tiện giải trí, nên nhu cầu xem chiếu phim lưu động của người dân đã không còn”.

Đã đến lúc phải nghĩ cách để chuyển hướng cho phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin như thực hiện các video clip phục vụ cho các ngành và chiếu phim lưu động đi vào từng chuyên đề, ở từng địa phương, hướng vào từng đối tượng xem cụ thể. Đặc biệt, tập trung vào công tác tuyên truyền nhiều hơn là phục vụ nghệ thuật, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ông Đặng Trước Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Người dân vẫn thích xem điện ảnh, có điều xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ càng cao và rạp chiếu hiện đại với không gian thoáng mát, với những bộ phim hay, mới có thể khiến họ đến xem”. Đây là điều mà Hậu Giang đang thiếu. Nhưng chắc chắn trong thời gian không xa, điều này sẽ thành hiện thực…

Lội 10 cây số để xem phim, nhiều khi bị pháo kích là về nhà luôn…

Đôi mắt trầm tư, nhưng ánh lên niềm vui, bà Trương Thị Đào, ở ấp 6, xã Vị Thắng, nhớ lại: “Trước giải phóng, tôi khoảng 20 tuổi, cũng tham gia vào Đoàn thanh niên ở địa phương. Nghe có chiếu phim, 4 giờ chiều đã bó đuốc, kéo nhau đi xem, vui như hội. Có khi lội cả 10 cây số, nhưng vẫn không thấy mệt, vì chút nữa sẽ được xem phim. Nhiều lúc chưa được xem phim, bị pháo kích, phải tắt hết đèn ngồi im, đợi qua rồi xem tiếp, cũng có khi phải quay về không được xem nữa. Hồi đó gian khổ mà vui, không thể nào quên… Giờ mấy đứa nhỏ làm gì biết được không khí đó nữa…”.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>