Không ỷ lại để mau thoát nghèo hơn

18/10/2018 | 09:40 GMT+7

Quyết tâm sẽ thoát hộ cận nghèo trong năm 2018, ông Tô Hùng, ở ấp Tân Quới Kinh, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đang tích cực nỗ lực vươn lên với mô hình trồng 3 vụ dưa, 1 vụ lúa của gia đình.

Ông Hùng bên ruộng dưa sắp thu hoạch.

Đưa mắt nhìn ruộng dưa hấu 20 ngày nữa sẽ thu hoạch, bên ngoài là nước lũ đang bao phủ đồng ruộng, ông Hùng mừng rỡ chia sẻ: “Cũng may là hàng năm tôi đều làm đê bao khép kín sớm và chắc chắn chứ không thôi thì mùa lũ này chắc gia đình tôi trắng tay. Nhờ ruộng dưa hấu này mà đời sống gia đình tôi đỡ khó khăn hơn trước. Cũng ruộng dưa này, năm rồi gia đình tôi thoát hộ nghèo và năm nay tôi sẽ thoát hộ cận nghèo”.

Đang cùng ba tuyển bỏ những trái dưa đèo, chỉ để mỗi dây dưa 1 đến 2 trái khỏe, em Tô Khánh Linh, con trai lớn của ông Hùng, bộc bạch: “Em học lớp 7 rồi nhưng cha mẹ nói em còn nhỏ nên tập trung cho việc học. Vì chỉ có học cuộc sống em mới tốt hơn. Đó luôn là động lực để em học tốt”.

Trước đây, hơn 1 công ruộng của gia đình, ông Hùng chủ yếu trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Mười mấy năm mang sổ hộ nghèo là điều ông cảm thấy buồn nhất. Để tìm hướng đi cho việc thoát nghèo của gia đình, tình cờ ông nghe bà con trồng dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao, thời gian chăm sóc ngắn hơn lúa (chỉ khoảng 2 tháng cho thu hoạch) nên năm 2011 ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng dưa. Ban đầu kinh nghiệm không có, ông học hỏi ở anh em trồng dưa mỗi người một ít, tích lũy cái hay, như cách chăm sóc, chọn giống dưa, làm đất, bón phân… cái nào cho hiệu quả cao, ít tốn chi phí là ông Hùng mạnh dạn áp dụng. Kết quả mang lại, từ gia tài chỉ có hơn 1 công ruộng mà sau 7 năm trồng dưa hấu, đến nay gia đình ông đã có 6 công đất trồng dưa.

Ông Hùng bộc bạch: “Mỗi năm làm dư ra, tôi để dành tiền lại mua thêm đất để canh tác. Lúc đầu, trồng dưa tôi không có trồng lúa, thấy đất bỏ thời gian dài phí quá nên tôi kết hợp trồng 3 vụ dưa, 1 vụ lúa. Trồng lúa 1 vụ vừa đảm bảo gạo ăn cho gia đình, vừa là cải tạo bộ rễ để vụ sau trồng dưa giảm bớt bệnh…”.

Không chỉ thành công từ ruộng dưa, ông Hùng cũng là một lão nông “mát tay” khi trồng thêm nấm bào ngư. Sau 2 năm trồng, mô hình cũng mang về nguồn lợi kha khá cho gia đình. Hiện tại, ông đang trồng 1.000 chai nấm bào ngư, nuôi thêm cá trên ruộng dưa… Ông Phan Thế Nhân, cán bộ phụ trách nông dân ấp Tân Quới Kinh, cho biết: “Từ hiệu quả mô hình trồng dưa hấu của ông Hùng, đến nay trong ấp đã có 6 hộ trồng theo và hiện đang mang lại thu nhập khá ổn định. Bà con ở đây rất nể phục ý chí chủ động thoát nghèo của gia đình ông”.

Xã Tân Bình hiện có gần 15% hộ nghèo, số hộ cận nghèo cũng khá cao. Đây là những trở ngại lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Huỳnh Ngọc Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang tập trung các giải pháp để hộ nghèo thoát nghèo bền vững như: hỗ trợ cho vay vốn, giới thiệu các mô hình làm ăn hiệu quả, giới thiệu kỹ thuật nuôi, trồng cây con giống hiệu quả. Đặc biệt việc nhân rộng những tấm gương chủ động thoát nghèo như ông Hùng là cách để địa phương nâng cao ý thức thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>