Hương vị trái cà na mùa nước nổi

24/10/2019 | 10:38 GMT+7

Hàng năm, khi mùa nước nổi về thì cũng vào mùa thu hoạch cà na. Là cây hoang dã, nhưng hương vị rất đậm đà, ai ăn rồi cũng thích.

Trái cà na được bán ven đường nối Vị Thanh - Cần Thơ.

Những ngày này, nếu có dịp đi trên tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) hoặc dạo quanh một vòng các khu chợ đều thấy rất nhiều người bày bán trái cà na. Cà na còn có tên gọi khác là cây trám trắng, trái cà na có hình thoi, màu vàng xanh nhạt, hạt cứng, 2 đầu trái nhọn, thường cà na trổ bông vào khoảng tháng 6-7 âm lịch và kết trái vào khoảng tháng 9-10. Trước đây, cà na mọc hoang dã ven sông, rạch và ít ai trồng vì nhiều người cho rằng trái cà na giá trị kinh tế không cao. Nay loại trái cây này trở thành mặt hàng được giới trẻ nơi phố thị ưa chuộng, vì thế cung không đủ cầu. Với giá bán ra tại các chợ, cũng như các điểm ven đường từ 20.000-22.000 đồng/kg cà na tươi sống, 20.000-25.000 đồng/keo khoảng 500 gram cà na đã qua chế biến muối đường chua ngọt.

  Anh Lý Minh Trung, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho rằng quan niệm của người nông dân từ trước đến nay đều coi cà na là cây không có giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, gần đây có rất nhiều người thấy được giá trị của nó, ngoài bán trái có mức thu nhập cao thì cây và rễ cà na còn có tác dụng chống sạt lở bờ sông rất hữu hiệu. Vì vậy, ngày nay cây cà na được nhiều nông dân bắt đầu trồng lại. Ngoài giống cà na bản địa, bà con còn trồng thêm cà na Thái, tập trung nhiều là ở huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ.

Ngày xưa, cà na chỉ là thứ để ăn, ít ai bán. Bây giờ, nhiều người thèm lại mấy món xưa nên cà na bán nhiều ở chợ và còn là món ăn vặt mà giới trẻ ưa thích. Ăn cà na ngon nhất là lúc mưa dầm hay trời se lạnh, phải ăn bằng cả mắt nhìn, mũi ngửi, miệng cắn, tai nghe và cảm nhận đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt, chát, thơm. Loại trái hoang dã và gần gũi này luôn để lại nỗi nhớ trong những người con xa xứ mỗi khi nước lũ tràn về đầy ắp trên những dòng kênh, con rạch chốn quê nhà.

Muốn chế biến trái cà na thành món ăn ngon cũng không khó. Dễ nhất là ăn sống chấm muối ớt. Người ăn chỉ cần chịu khó đập giập trái cà na rồi ngâm muốt ớt, hay ngào đường, ngào muối ớt, đường, hoặc cà na sên đường làm mứt, cà na ngâm nước mắm làm dưa… Trước khi chế biến, trái cà na được rửa sạch, để ráo nước, lấy dao nhỏ cắt bỏ cuống, rạch dọc vài đường trên thân trái để khi trộn gia vị ngấm sâu hơn. Cà na trộn với hỗn hợp gồm nước mắm, ớt, đường... rồi cho vào hũ, chỉ sau 2 ngày là ăn được. Cà na ngào đường phải dùng trái ngon nhất, để lửa liu riu cho đường không bị cháy khét, cà na ngấm đường từ từ tạo thành hỗn hợp sền sệt để được lâu ngày hơn.

Đặc biệt, với món quà của miền nước nổi, người ta còn chế biến thành rượu cà na và dưa muối cà na rất độc đáo. Rượu cà na có cách chế biến công phu hơn, là khi cà na được hái về rửa sạch và phơi khô trong vòng 2 ngày, sau đó rửa lại một lần nữa và ngâm chung với rượu trắng. Sau 6 tháng ủ rượu thì có thể sử dụng, rượu có vị ngọt, chua và chát rất dễ uống. Theo một số người làm ngành đông y thì trong trái cà na giàu vitamin C và canxi cùng nhiều hoạt chất có ích cho cơ thể nên còn là vị thuốc chữa kiết lỵ, giải độc, say rượu, ho, cảm lạnh, viêm họng… Món rượu cà na cũng không được nhiều người biết đến, vì trái cà na trước đây không phải lúc nào muốn ăn là có. Thường thì cà na chỉ có vào khoảng tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch khi mùa nước nổi về. Nhiều loại cây trái khác không thể sống được qua mùa nước nổi, nhưng riêng cây cà na lại cho trái xum xuê.

Nếu có dịp về miền Tây, đặc biệt là về Hậu Giang vào mùa nước nổi nên khám phá món ăn đặc sản từ trái cà na. Tin chắc rằng ai ăn rồi sẽ nhớ mãi đến vùng đất miền sông nước Hậu Giang trái ngọt, cây lành.

  Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>