Hết lòng giúp đỡ đối tượng yếu thế

08/05/2018 | 09:46 GMT+7

Với tinh thần trách nhiệm, các cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A, luôn kết nối những tấm lòng hảo tâm với những hoàn cảnh yếu thế, giúp mọi người vươn lên trong cuộc sống.

Bà Đẹp phấn khởi khi được hỗ trợ căn nhà tình thương.

Cống hiến vì cộng đồng

Ở tuổi 72, đáng lẽ được nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, thì ngày ngày ông Đỗ Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A, vẫn tất bật với việc giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, những trẻ em mồ côi, người tàn tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với ông, những khi giúp đỡ được những hoàn cảnh yếu thế, ông cảm thấy rất vui. Nhìn mọi người hạnh phúc, ông như được vui lây niềm vui của họ và ông càng tự hào với công việc của mình.

Kể về cái duyên đến với công việc hiện tại, ông Sáu cho biết: “Trước đây, tôi làm ở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn còn trăn trở muốn cống hiến cho cộng đồng, rồi được lãnh đạo huyện động viên nên tôi tiếp tục tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A và giữ chức Chủ tịch hội. Dẫu tuổi cao, nhưng mỗi khi nghe ở đâu có người cần giúp đỡ là tôi tìm tới ngay”. Gắn bó với công tác hội trong 6 năm, đó là ngần ấy thời gian ông Sáu không ngại khó khăn, gian khổ để đi đến tận nhà những đối tượng yếu thế để tìm hiểu hoàn cảnh rồi tìm cách hỗ trợ giúp đỡ. Ông Sáu chia sẻ: “Hầu hết các đối tượng là người khuyết tật, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, trẻ em mồ côi đều có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, vì vậy, chúng tôi phải đến tận nơi và tích cực vận động để hỗ trợ, nhằm giúp mọi người vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Suốt nhiều năm qua, ông Sáu cùng các cán bộ hội không ngại khó khăn, lội bộ đến những nơi hẻo lánh, xa xôi để chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Với tinh thần trách nhiệm, thời gian qua, hội đã cẩn thận lập danh sách nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn huyện, cố gắng không bỏ sót đối tượng nào. Ngoài ra, thường xuyên vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài địa phương, để hỗ trợ cho những cảnh đời kém may mắn. “Khi nào không thể đi vận động để chăm lo cho các đối tượng yếu thế nữa, tôi mới nghỉ làm công việc này”, ông Sáu bày tỏ.

Mang đến hạnh phúc cho người yếu thế

Theo lời kể của ông Sáu, những khi giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn, ông và cán bộ hội cảm thấy rất vui. Như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Đẹp, ở ấp 2A, xã Tân Hòa. Được biết, những năm chiến tranh ác liệt, gia đình bà Đẹp sinh sống ở Kênh Dậy, vùng địch rải nhiều chất độc hóa học. Vì thế, người con gái của bà là Trần Thị Cẩm Thía đã bị nhiễm chất độc ấy. Di chứng từ chất độc da cam khiến Cẩm Thía chân tay bị teo nhỏ, co quắp, không thể đi lại, trong khi gia đình cũng khó khăn, căn nhà mục nát gần như sắp sập. Thương cảm cho gia đình bà Đẹp, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình bà Đẹp căn nhà. Bà Đẹp cho biết: “Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, chồng tôi đi lặn đất mướn, tôi thì ở nhà lo cho con Thía, nên đâu dám nghĩ sẽ có ngày được ở trong căn nhà vững chãi như thế này. Nhờ sự giúp sức của mọi người, gia đình tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”. Ngày dọn vào nhà mới để ở, cả gia đình bà Đẹp mừng đến rơi nước mắt.

Xã hội còn nhiều người khó khăn cần giúp đỡ, nhất là các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, bởi họ không thể lao động, hoặc chỉ có thể làm những công việc nhẹ, cuộc sống túng thiếu. Do đó, làm sao để cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng yếu thế là chuyện cần làm và nên làm của những người làm công tác hội. Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện đã vận động trên 20 tỉ đồng, để chăm lo các hoàn cảnh yếu thế như trao tặng xe lăn, xe lắc, nhà tình thương, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí… Bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, chia sẻ: “Ông nhà tôi bị bệnh tai biến mười mấy năm nay, nhờ hội hỗ trợ xe lăn, nên ông ấy di chuyển thuận lợi hơn. Nếu không có chiếc xe này, chắc ông ấy chỉ ngồi đó, chứ làm sao đi đâu được. Ngoài tặng xe lăn, mấy anh ở hội còn đến thăm hỏi, động viên nữa. Những tình cảm ấy, khiến chúng tôi cảm động lắm”.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A, cho biết: “Với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân… để chăm lo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi. Từ đó, giúp mọi người giảm bớt khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”.

Từ năm 2012 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật và Trẻ em mồ côi huyện Châu Thành A vận động trên 20 tỉ đồng. Từ đó, đã hỗ trợ 160 xe lăn và 8 xe lắc, xây dựng và sửa chữa 36 căn nhà tình thương, trao tặng gần 31.000 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi nhân các dịp lễ, tết…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>