Gương sáng mẹ Bông

17/07/2019 | 07:51 GMT+7

Tuổi trẻ hôm nay có thể không biết đến bom đạn, chiến tranh, nhưng họ đều hiểu rằng có được cuộc sống tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay, là có sự hy sinh xương máu của lớp người đi trước, là những nỗi đau và mất mát của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Niềm vui của mẹ Bông (ngồi) với những tháng ngày sống hạnh phúc cùng con cháu.

Trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp về ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Bông, vợ liệt sĩ Trương Văn Đặng hy sinh năm 1970 và con trai là liệt sĩ Trương Văn Hùng, hy sinh năm 1982. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa khá khang trang, với nhiều hình ảnh trưng bày qua những chuyến đi tham quan ở các tỉnh, thành phía Bắc và bằng khen, giấy khen nhiều cấp. Ở tuổi 79 nhưng hồi ức về những năm tháng chiến tranh, vẫn còn hằn sâu trong trái tim của mẹ. Mẹ sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 19 tuổi mẹ lập gia đình, vừa lo cho gia đình, vừa tham gia cách mạng. Trong những năm chiến tranh, mẹ là người chí cốt với cách mạng “Một tấc không đi, một ly không rời”, mẹ quyết không vào ấp chiến lược của địch, mà ở lại quê nhà chịu đựng bom rơi, pháo chụp. Mẹ làm công việc nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ, du kích địa phương và tiếp tế lương thực, vận chuyển thuốc men, quần áo, chỉ đường, dẫn lối cho con cháu bộ đội, qua sông đánh giặc. Có lần mẹ bị địch bắt, bọn chúng dùng đủ chiêu trò dụ dỗ, tra tấn, ép mẹ kêu gọi chồng và người thân, con cháu mẹ, ra đầu hàng ly khai cách mạng. Nhưng trước sau, mẹ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, không một lời khai báo. Cuối cùng không khai thác được gì chúng đã thả mẹ. Trở về nhà, mẹ quyết bám trụ giữ đất, tiếp tục làm công tác hậu cần nuôi chứa cán bộ cách mạng.

Với mẹ Bông, dù gian lao khổ cực mấy, cũng không bằng nỗi đau mất chồng, mẹ kể vào một đêm tối trời, hay tin bọn lính càn vào xóm ấp, chồng mẹ (liệt sĩ Trương Văn Đặng) cùng anh em đồng đội, vác súng chống càn và lần đi ấy, chồng mẹ đã anh dũng hy sinh. Ở cái tuổi 32, mẹ đã trở thành quả phụ, một mình tần tảo làm lụng nuôi 6 người con và chăm lo cho mẹ chồng, cùng 2 cô em chồng nhỏ dại. Nước mắt mẹ cạn dần, vì thương chồng khóc trắng thâu đêm, cố nén đau thương, mẹ quyết không ngã quỵ, quyết không từ bỏ con đường tham gia cách mạng. Và rồi một lần nữa, vào năm 1982 mẹ lại khóc tiễn biệt người con trai yêu quý của mình, đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đất bạn Campuchia, khi đang làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn.

Những ai đã từng làm mẹ, mới thấu hiểu được nỗi đau xé lòng của mẹ, cả cuộc đời mẹ Bông đã cống hiến cho non sông, đất nước. Cống hiến thứ quý giá nhất của mình là cuộc đời và chồng con, còn cả người thân ruột thịt của mình, cho quê hương đất nước, cho hòa bình dân tộc. Để tôn vinh công lao to lớn của mẹ, ngày 12-3-2014, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, quyết định tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Bông.

Hiện mẹ đã già yếu, cuộc sống gia đình cũng không mấy dư dả, nhưng mẹ Bông thường xuyên quan tâm giúp đỡ những người hàng xóm quần áo, gạo tiền, lúc khó khăn. Mẹ cũng thường tham gia các mặt công tác xã hội như  bắc cầu, làm lộ, xây cất nhà tình thương cho hộ nghèo... Với gia đình, mẹ là người bà, người mẹ có lối sống rất mẫu mực, mẹ luôn khuyên dạy con cháu sống phải yêu thương, hòa thuận quý mến láng giềng và luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Hòa Mỹ, có đến 884 hộ là gia đình chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Để đền đáp công ơn và sự hy sinh to lớn của mọi gia đình, trong suốt thời gian dài đã qua, các cấp chính quyền địa phương, luôn quan tâm chăm lo, thường xuyên thăm hỏi, không để một gia đình chính sách nào trong xã gặp khó khăn. Đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>