Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống

14/03/2018 | 07:40 GMT+7

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, sự trợ giúp của cộng đồng xã hội và nghị lực vươn lên của bản thân, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã cải thiện đời sống.

Công tác vận động xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật luôn được quan tâm đẩy mạnh.

Ráng vươn lên để sống tốt

Ngày nào cũng vậy, mới sáng sớm anh Đặng Thanh Quang, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, lại đi phụ bán tạp hóa. Dẫu sức khỏe yếu, chẳng thể làm việc gì nặng, nhưng chỉ cần có thể lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình là anh thấy vui và hạnh phúc. Anh Quang bị gù và nổi bướu trên lưng từ nhỏ, do mụt bướu ngày càng lớn, che gần hết phần lưng nên sức khỏe anh khá yếu và việc đi lại cũng khó khăn. Dù vậy, anh vẫn cố gắng đi làm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Cách đây gần 10 năm, anh Quang đã đi phụ bán tạp hóa ở gần nhà, ngoài ra, còn sửa xe đạp. Mấy năm trước, chủ tiệm sửa xe nơi anh Quang làm đã chuyển về nơi khác sinh sống, nên anh không còn sửa xe đạp, chỉ còn đi phụ bán tạp hóa. Anh Quang chia sẻ: “Sức khỏe yếu không thể làm việc nặng, nên tôi chỉ pha nước, bưng nước cho khách, rồi tính tiền, hoặc bán những thứ lặt vặt, còn khuân vác những đồ nặng thì nhờ người khác giúp đỡ”.

Nhà nghèo, chỉ có 1 công đất, song đã cầm cố nhiều năm nay. Để lo kế mưu sinh, cha anh dẫu lớn tuổi nhưng vẫn đi làm phụ hồ, còn mẹ anh ở nhà đan lục bình kiếm được đồng nào mừng đồng ấy. Cách đây hơn 1 năm, do mụt bướu đau nhức không chịu nổi nên anh đã đi phẫu thuật. Bà Mai Thị Lập, mẹ anh Quang cho biết: “Tính ra thằng Quang bị nổi bướu cũng gần 20 năm rồi. Lúc còn nhỏ vì hoàn cảnh khó khăn không có tiền nên ngày qua ngày mụt bướu mới lớn đến vậy. Từ ngày mụt bướu được phẫu thuật, thấy con trai đi lại thuận tiện hơn, vợ chồng tôi mừng lắm. Tuy nhiên, sức khỏe vẫn chưa được cải thiện”.

Mỗi tháng, anh Quang cũng  kiếm được 500.000-600.000 đồng từ công việc làm thuê, cộng thêm 405.000 đồng tiền bảo trợ xã hội, cũng góp phần trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Theo anh Quang, dù sức khỏe không tốt, nhưng anh cũng cố gắng đi làm, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Với quan niệm “tàn nhưng không phế”, anh Quang cùng nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ngày ngày cố gắng vươn lên, để có cuộc sống tốt hơn. 

Thiết thực các hoạt động chăm lo

Để giúp người khuyết tật giảm bớt khó khăn, thời gian qua, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa. Qua đó, đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Từ nguồn vận động các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng… Bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy, cho biết: “Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2017, chúng tôi đã phối hợp với các hội, đoàn thể vận động giúp đỡ trên 10.000 lượt đối tượng người khuyết tật, bệnh nhân nghèo, những người yếu thế trong xã hội, với tổng trị giá gần 3,4 tỉ đồng. Với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, để hỗ trợ các đối tượng, đồng thời, không ngừng động viên, để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống”.

Toàn tỉnh hiện có trên 10.600 người khuyết tật hưởng trợ cấp thường xuyên. Trong năm 2017, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động trao tặng 112 xe lăn, xe lắc đến người khuyết tật. Ngoài ra, còn vận động trên 29.000 suất quà, hỗ trợ khó khăn cho hàng chục ngàn đối tượng… Với những hỗ trợ thiết thực đó, nhiều người đã hòa nhập cộng đồng, tự lao động sản xuất, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn là người có ích cho xã hội. Ông Huỳnh Thành Chiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, đồng thời nêu gương những người khuyết tật tiêu biểu vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống để những người khuyết tật khác học tập và noi theo. Cùng với đó, tăng cường vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện, tiếp tục hỗ trợ để tạo điều kiện giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng…”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>