Gieo yêu thương

06/12/2017 | 08:30 GMT+7

Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời luôn dành sự quan tâm, thương yêu dành cho những trẻ mồ côi, người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh. Với Bác, chăm lo cho đối tượng này là trách nhiệm của toàn xã hội... Ghi nhớ lời Người, thời gian qua Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy đã có nhiều việc làm ý nghĩa, đầy tình yêu thương.

Bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy (giữa) trao quà cho nạn nhân và gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC.

Niềm an ủi cho những cảnh đời bất hạnh

Có dịp theo chân các cán bộ của Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy đến thăm những nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC, chúng tôi mới hiểu hết nỗi vất vả mà các gia đình nạn nhân phải gánh chịu và càng hiểu rõ tấm lòng của các cán bộ hội đối với gia đình. Lau vội giọt mồ hôi trên trán, bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy, cho biết: “Hầu hết nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC đều có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, vì vậy, chúng tôi luôn tích cực vận động để hỗ trợ, nhằm giúp mọi người vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Suốt nhiều năm qua, các cán bộ hội đã không ngại chuyện lội bộ, dãi nắng dầm mưa đến tận những nơi hẻo lánh, xa xôi để chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Theo bà Mười Hai, có đến tận nơi, thấy tận mắt nỗi khổ mà những nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC ngày đêm gánh chịu, có người bị liệt tay, liệt chân, có người bị biến dạng cơ thể... Trước tình cảnh đó, nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, đồng thời, phải quan tâm và giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn trong xã hội. Vì thế, mỗi cán bộ hội mỗi ngày thêm một chút cố gắng, thêm một chút cống hiến, một chút hy sinh, tất cả vì nạn nhân, vì những người có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong xã hội.

Với tinh thần trách nhiệm, thời gian qua, hội đã cẩn thận lập danh sách nạn nhân CĐDC, người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn huyện, cố gắng không bỏ sót đối tượng nào. Ngoài ra, thường xuyên vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài địa phương, để hỗ trợ cho những cảnh đời kém may mắn. Mỗi dịp lễ tết, cán bộ hội còn đi đến từng gia đình có nạn nhân để động viên thăm hỏi và tìm cách giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Bà Lê Thị Kiển, ở ấp 7, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Con trai tôi bị nhiễm CĐDC, năm nay đã 32 tuổi rồi mà có làm được gì đâu, bất cứ chuyện gì đều cần người khác trợ giúp. Hàng tháng, cháu được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội 540.000 đồng, ngoài ra vào các dịp lễ tết còn được mọi người đến thăm hỏi, tặng quà. Trước sự quan tâm ấy, gia đình tôi cũng được an ủi”.

Nêu cao tinh thần tương thân, tương ái

Còn ông Nguyễn Văn Chính, ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau, bị bệnh tai biến đã 2 năm nay, việc đi lại hết sức khó khăn. Mắt ông cũng chỉ thấy mờ mờ. Trong khi hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo, hàng ngày vợ ông đi bán bánh lá dừa, bánh ít… để lo kế mưu sinh, vì vậy, chuyện mua cho ông chiếc xe lăn là điều quá khó khăn. Hiểu và thông cảm trước khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy đã vận động hỗ trợ ông chiếc xe lăn. Từ ngày có chiếc xe, việc đi lại của ông cũng thuận tiện hơn. Bà Trần Ngọc Chiến, vợ ông Chính, bộc bạch: “Có chiếc xe thiệt đỡ hết sức, mỗi lần ổng muốn đi đâu, tôi kè lên xe rồi đẩy đi. Tôi cũng lớn tuổi, sức khỏe yếu rồi, kè ổng đi chừng dăm bảy bước thì cả người mệt nhoài”.

Xã hội còn nhiều người khó khăn cần giúp đỡ, nhất là các nạn nhân CĐDC, bởi họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người khổ nhất trong những người đau khổ. Do đó, làm sao để cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân là chuyện cần làm và nên làm của những người làm công tác hội. Vì vậy, nhiều năm qua, hội đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng xe lăn, xe lắc, nhà tình thương… cho các gia đình. Được biết, từ đầu năm đến nay, hội đã vận động trên 7 tỉ đồng, để chăm lo các hoàn cảnh yếu thế. Bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy, cho biết: “Qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình là phải làm thật tốt công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo, xem đây là một trong những hoạt động trọng tâm của hội. Đặc biệt, luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ cho những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội”.

Những sự cố gắng đó của tập thể Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy đã thể hiện được cái tình, cái nghĩa với quê hương. Đúng như quan điểm của Người là: “Yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, bà Mười Hai cùng Hội Nạn nhân CĐDC và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy đã, đang và sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm, để giúp đỡ những nạn nhân kém may mắn. Từ những hành động và việc làm thiết thực đó, ngày càng sẽ có nhiều nạn nhân vững tin vượt lên số phận, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>