Giảm nghèo ở Tân Phú

11/05/2018 | 08:53 GMT+7

Xét hỗ trợ vay vốn, cây, con giống… giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo được xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, tập trung thực hiện.

Nhờ số vốn vay hỗ trợ, gia đình bà Mai Thị Giàu, ở ấp Tân Hưng 2, đã chăn nuôi để cải thiện kinh tế gia đình.

Về xã Tân Phú ngày nay nhiều ngôi nhà mới khang trang tô điểm cho làng quê thêm đẹp, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt… hiệu quả ngày càng được nhân rộng. Ông Nguyễn Vũ Thành, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, chia sẻ: “Để công tác giảm nghèo thực hiện hiệu quả hàng năm, chúng tôi luôn có kế hoạch phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính xã hội để xem xét hỗ trợ vốn vay. Bên cạnh đó, còn phối hợp với phòng kinh tế hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo. Mặt khác, chúng tôi cũng vận động các hộ nghèo có đất, đang trồng cây kém hiệu quả, cải tạo đất trồng”. Xã Tân Phú có tổng số 2.394 hộ dân, số lượng hộ nghèo đến cuối năm 2017 là 337 hộ và hộ cận nghèo là 116 hộ. So với đầu năm, đến cuối năm đã có 83 hộ thoát nghèo.

Bằng nhiều hình thức quan tâm và hỗ trợ của địa phương, từ một hộ nghèo nhiều năm liền, hộ của bà Mai Thị Giàu, ở ấp Tân Hưng 2, đã vươn lên thoát nghèo. Bà Giàu nói: “Gia đình tôi mấy năm rồi là hộ nghèo, nhà có ba đứa con, mà lại có một đứa bị khuyết tật, nên cũng khó khăn lắm. Vừa rồi, gia đình tôi được xem xét hỗ trợ cho vay được 12 triệu đồng để chăn nuôi. Rất may là mấy năm nay, nhờ chăn nuôi hiệu quả nên kinh tế gia đình cũng khá hơn. Thấy vậy, gia đình tôi cũng đăng ký với địa phương để thoát nghèo”. Ngoài thu nhập từ công việc chăn nuôi, vợ chồng của bà Giàu còn chịu khó làm thuê làm mướn. Nhờ chí thú làm ăn, gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn cất được nhà mới khang trang.

Không riêng gì hộ bà Giàu, hộ ông Trần Thanh Hồng, ở ấp Long Hưng 2, xã Tân Phú, cũng được địa phương xem xét cho vay 10 triệu đồng. Với số vốn được vay, ông Hồng đã đầu tư mua lú đặt cá và mua cá thát lát, cá lóc về nuôi. Ông Hồng tâm sự: “Trước đây, tôi đi bộ đội sau đó về học nghề rồi lấy vợ. Ban đầu, vợ chồng tôi nghèo lắm, đâu có nhà cửa gì đâu, chỉ có cái chòi nhỏ che mưa che nắng thôi. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn quá, địa phương mới cho vay vốn, hội cựu chiến binh của địa phương vận động cất cho được cái nhà mừng lắm. Ngoài 2 công đất nhà, hiện tôi cũng mướn thêm được vài công nữa, gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững luôn”.

Bên cạnh mô hình nuôi cá lóc, cá thát lát tận dụng mặt nước ở các kênh, rạch… trên địa bàn ấp Long Hưng 2, còn có mô hình trồng nấm rơm. Nhờ sự quan tâm của địa phương, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả cao giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, làm ăn ngày càng khấm khá hơn. Trong năm vừa rồi trên địa bàn ấp Long Hưng 2, có 20 hộ đã thoát nghèo. Hiện địa phương cũng đang chủ động tìm đơn vị hỗ trợ cá thát lát giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.

Đánh giá về công tác giảm nghèo của địa phương trong thời gian qua, ông Nguyễn Vũ Thành, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết thêm: “Bên cạnh xét hỗ trợ vốn vay, chúng tôi cũng xem xét theo từng hộ để hỗ trợ cây trồng như bưởi và vật nuôi là cá, vịt phù hợp để các hộ yên tâm phát triển kinh tế. Với những hộ không có đất sản xuất sẽ khuyến khích đi tìm việc phù hợp”. Cũng nhờ những mô hình sản xuất hiệu quả và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương, hàng năm trên địa bàn xã Tân Phú có khoảng 2-3% hộ thoát nghèo.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>