Đột phá trong giảm nghèo ở Vĩnh Trung

15/12/2017 | 07:49 GMT+7

Năm nay được xem là năm thành công nhất từ trước đến nay của xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, về công tác giảm nghèo, khi địa phương giảm khoảng 6% hộ nghèo (nghị quyết đề ra từ 2-3%/năm). Đó là kết quả không chỉ ở cách làm mà còn là cách nghĩ của người dân.

Nhờ đầu tư mua máy chang đất, chí thú làm ăn nên gia đình ông Quy thoát nghèo.

Thay đổi cách nghĩ

Từ khi chuẩn bị cho vụ lúa Đông xuân đến nay, ngày nào anh Đặng Văn Quy, ở ấp 4, cũng đi chang đất mướn cho bà con xung quanh, với khoảng 12 giờ/ngày. Công việc này gắn với anh đã 3 năm qua, góp phần không nhỏ giúp gia đình thoát nghèo. “Cực khổ, vất vả tui không sợ, chỉ mong sao được thoát nghèo. Thấy nhiều người có hoàn cảnh như mình nhưng không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ ngơi vững chắc. Tôi thấy… hổ thẹn”.

Với suy nghĩ ấy, vợ chồng anh đã nỗ lực không biết mệt mỏi mong sao thoát nghèo. Trước đây, gia đình anh có 3 công ruộng, nhưng làm hoài… vẫn nghèo nên được hưởng một số chính sách của Nhà nước. Đối với nhiều người thì vui mừng nhưng với anh thì… rất buồn, bởi cũng lành lặn, có ruộng đất như người ta mà sao nghèo?

Không muốn Nhà nước hỗ trợ tiếp, cách đây khoảng 3 năm, anh quyết định mượn tiền người thân mua máy chang đất về đi làm mướn, còn vợ thì bán bánh bò, bánh tiêu. Theo đó, cứ đến vụ Đông xuân  thì anh làm dịch vụ chang đất mướn, sau đó thì đi làm thợ hồ, trồng hoa màu để tăng thêm thu nhập. Gia đình khá tiết kiệm trong việc chi tiêu.

Nhờ tích cóp nhiều năm, đầu năm 2017, anh mua thêm 2 công đất ruộng và đang xây nhà kho để kinh doanh lúa. “Gia đình thoát nghèo, tui mừng lắm, vì bao năm cố gắng làm ăn nay cũng gặt hái được thành quả. Thoát nghèo rồi tui sẽ cố gắng nhiều hơn để có của dư của để cho bằng anh bằng chị”, anh Quy quyết tâm.

Khác với gia đình anh Quy, gia đình anh Nguyễn Thanh Phong không có đất sản xuất, nhưng với ý chí quyết tâm thoát nghèo nên năm nay ước mơ ấy thành hiện thực.

Vợ chồng anh có hai người con, những năm qua, để lo cuộc sống gia đình, cả hai đều đi làm mướn; tận dụng những khoảnh đất trống xung quanh nhà để nuôi gà, vịt với từ 50-60 con/3 tháng. “Thấy nuôi gà, vịt vậy nhưng giúp gia đình tôi đỡ tốn chi phí sinh hoạt hàng ngày. Sau 3 tháng nuôi, trừ chi phí gia đình cũng lời khoảng 5 triệu đồng. Thà có đồng ra đồng vô còn đỡ hơn để đất trống”, anh Phong cho biết.

Do trước đây gia đình nghèo, hai người con của anh không thể học tới nơi tới chốn nên đã nghỉ học. Để phụ giúp gia đình, năm 2016, hai người con lên thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân và hàng tháng gửi về khoảng 3 triệu đồng. Tuy có tiền từ đi làm mướn, chăn nuôi và con gửi về, nhưng anh Phong khá tiết kiệm trong chi tiêu, ăn uống… “Nếu có tiền mà không biết giữ và tiêu xài hoang phí thì trước sau cũng nghèo. Mình không mua không phải là keo kiệt mà chưa đến lúc”, ông Phong giải thích.

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Nhân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, những năm qua, ý thức người dân thoát nghèo đã được nâng lên, nhiều hộ có mô hình sản xuất, kinh doanh; chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt, đời sống.

Nhiều cách làm hay

Cùng với đó, ngay từ đầu năm xã yêu cầu mỗi đoàn thể phải có mô hình thoát nghèo và được các đơn vị nhanh chóng thành lập như mô hình “Đâu khó có phụ nữ”, “Đâu khó có nông dân”, “Lá lành đùm lá rách”…

Bên cạnh đó, địa phương còn xem xét, yêu cầu những hộ có khả năng thoát nghèo trong năm phải đăng ký, đồng thời giao cho từng ngành, đoàn thể theo sát việc thực hiện để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu gặp phải.

Một cách làm khá mới nữa của xã trong năm nay là hiện nay hộ nghèo được xét theo tiêu chí đa chiều như: điện, nước, phương tiện nghe nhìn, đi lại… nên xã tập trung đầu tư, khắc phục cơ sở hạ tầng để người dân có điều kiện đi lại dễ dàng, phát triển kinh tế, mua sắm phương tiện.

Theo đó, trong năm xã làm mới, sửa chữa, nâng cấp 8 tuyến đường giao thông nông thôn; bắc mới và sửa 3 cây cầu bê tông, tạo điều kiện cho hàng chục gia đình sử dụng nước sạch… Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từ đó nhiều hộ nâng cao thu nhập, mức sống và đã thoát nghèo.

Theo UBND xã Vĩnh Trung, nếu đầu năm 2017 toàn xã có 24,7% hộ nghèo thì cuối năm còn 18,7% (tương đương 178 hộ thoát nghèo), đây là con số nhiều nhất của xã từ trước đến nay.

Ông Nhân cho biết thêm: “Để phát huy thành tích giảm nghèo đạt được, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình thoát nghèo, tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của huyện mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện vay vốn. Hơn hết vận động người dân nỗ lực bằng nhiều hình thức để thoát nghèo”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>