Đa dạng các hoạt động chăm lo, bảo vệ trẻ em

26/12/2019 | 08:22 GMT+7

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để chăm lo cho trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Công tác chăm lo trẻ em luôn được đẩy mạnh trong thời gian qua.

Nhiều hoạt động vì trẻ em

Được nhận học bổng do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang trao tặng vào đầu năm học, em Nguyễn Linh Dương, học sinh Trường THCS Hòa Mỹ rất vui mừng. Hoàn cảnh khó khăn, không ruộng nương, mỗi ngày mẹ em đan cần xé, còn cha em đánh đàn thuê, thu nhập không gọi là đủ. Khi được nhận học bổng, Dương vô cùng phấn khởi và cho biết: “Với em, đây quả là món quà vô giá. Nó không chỉ giúp gia đình em bớt đi phần nào gánh nặng về tài chính, mà nó còn là nguồn động lực tinh thần giúp cho em thêm kiên trì, cố gắng học tập thật tốt, để có tương lai tươi sáng hơn”.

Quan tâm, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài trao tặng học bổng, các ngành, các cấp đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, xe đạp, tập vở, quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, vá môi hở hàm ếch và phẫu thuật tim… đã giúp các em có thêm nguồn động viên và niềm tin để vươn lên trong cuộc sống. Theo anh Thái Tấn Nguyên, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, vào đầu năm học, con trai anh đều được tặng tập vở. Ngoài ra, dịp tết thiếu nhi, trung thu, cháu cũng được tặng quà. Với gia đình sự quan tâm đó rất đáng trân trọng.

Còn bà Nguyễn Thị Thu, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người mà cháu ngoại tôi đã được phẫu thuật tim miễn phí. Hiện nay, sức khỏe khá tốt. Tôi rất biết ơn mọi người đã quan tâm, giúp đỡ, để cháu tôi có được sức khỏe như hiện nay”.

Toàn tỉnh có trên 184.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vận động quỹ bảo trợ trẻ em và thực hiện nhiều mô hình, cách làm để chung tay bảo vệ trẻ em.

Hiệu quả những mô hình

Xác định công tác bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã triển khai kế hoạch tuyên truyền xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, để phòng, chống tai nạn thương tích tại các xã, phường, thị trấn. Theo ông Mai Viết Khải, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Long Mỹ, “Ngôi nhà an toàn” có các tiêu chí như đảm bảo an toàn trong nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em…

Là một trong những hộ thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn, bà Lâm Thị Mai, ở khu vực 6, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cảm thấy yên tâm khi nhà có hàng rào đảm bảo, nên việc trông chừng đứa cháu ngoại 5 tuổi đỡ vất vả hơn, bởi nhà ở gần lộ. Bà Mai cho biết: “Qua hướng dẫn của cán bộ phụ trách trẻ em phường, tôi biết cách bố trí các vật dụng trong nhà sao cho đảm bảo an toàn với trẻ như cửa sổ, cửa đi phải sát vào tường, để tránh trường hợp trẻ bị vướng, còn các đồ vật sắc nhọn, bình đun nước nóng phải để lên cao khỏi tầm với của trẻ...”.

Qua tuyên truyền về những tác hại nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với sức khỏe làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhận thức người dân ngày càng được nâng lên. Những năm gần đây trên địa bàn thị xã không để xảy ra trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích.

Để nâng cao nhận thức của người dân, thực hiện quyền được bảo vệ của trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tuyên truyền nâng cao kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, kỹ năng nhận biết loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em trong gia đình, trường học. Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em thời gian qua đã nhận được sự quan tâm đúng mức, các chế độ, chính sách dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thực hiện đầy đủ, đảm bảo theo quy định. Cùng với việc thực hiện các mô hình, chúng tôi tiếp tục vận động xã hội hóa, để chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

Cùng với xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn, tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình trường học an toàn, cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ mỗi thành viên trong gia đình, cộng đồng phải nâng cao ý thức trách nhiệm, để tạo môi trường an toàn, giúp các em phát triển một cách toàn diện…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>