Cùng chăm lo cho nạn nhân da cam

21/08/2018 | 08:59 GMT+7

Chăm lo cho nạn nhân da cam/Dioxin luôn được huyện Châu Thành A tập trung thực hiện, để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Những phần quà sẻ chia kịp thời đã giúp nạn nhân da cam và gia đình thấy phấn khởi hơn.

Vẫn nhớ như in, ngày đứa con gái duy nhất mất khi mới 31 tuổi do ảnh hưởng chất độc hóa học, lau vội giọt nước mắt, ông Nguyễn Văn Thống, thương binh hạng 2/4, ở thị trấn Cái Tắc, tâm sự: “Trước đây, tôi cũng tham gia làm du kích ở địa bàn xã Tân Phú Thạnh, rồi được điều chuyển về Tiểu đoàn Tây Đô. Thời chiến đâu biết địch rải chất độc hóa học xuống các kênh, mà lúc đó phải thường xuyên ngâm mình dưới nước để di chuyển, nên sau này ảnh hưởng tới con cháu. Gần chục năm nay, tay và chân tôi lúc nào cũng tê cứng lại, đi đứng, nói chuyện cũng khó khăn hơn. Không chỉ tôi, mà đứa con gái duy nhất của gia đình, từ khi sinh ra cũng bị ảnh hưởng, gây khuyết tật cơ thể. Chúng tôi cũng thấy an ủi lắm, khi được địa phương thường xuyên tới lui thăm hỏi”…

Còn đối với gia đình ông Hồ Văn Quang, ở thị trấn Bảy Ngàn, có 2 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, cũng nhờ được địa phương thường xuyên quan tâm động viên, hỗ trợ, đã phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn. Ông Quang nói: “Nhà tôi có một đứa con gái và một thằng con trai bị ảnh hưởng chất độc hóa học, từ nhỏ hai cháu đã không đi đứng sinh hoạt được, nên mọi hoạt động đều phải có người giúp đỡ. Nhà nghèo, nên đâu có điều kiện thuốc thang gì nhiều, vì vậy đứa con gái cũng đã mất. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi vậy, địa phương cũng thường quan tâm hỗ trợ. Mấy ngày lễ, tết thay vì gia đình phải đưa cháu đến địa phương để họp mặt nhận quà, địa phương lại tổ chức đoàn đến tận nhà tặng quà, thăm hỏi”. Gia đình ông Quang thuộc hộ nghèo, vợ chồng ông có 9 người con, nhưng nhà chỉ có 1 công đất sản xuất. Người con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam của ông Quang, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do vợ chồng ông hỗ trợ.

Trên địa bàn huyện Châu Thành A có 110 nạn nhân da cam được hưởng trợ cấp thường xuyên. Bên cạnh đó, hiện còn trên 1.000 người phơi nhiễm. Thấu hiểu khó khăn của nạn nhân da cam và gia đình, từ năm 2014 đến nay, vào các ngày kỷ niệm thảm họa da cam, dịp lễ, tết, địa phương đều tổ chức xuống tận nhà để thăm hỏi các đối tượng. Ông Đỗ Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo huyện Châu Thành A, cho biết: “Mấy năm gần đây, chúng tôi đều kết hợp với địa phương xuống tận nhà để thăm hỏi, tặng quà gia đình các nạn nhân, vì nếu mời đi họp mặt tại huyện rất khó khăn cho bà con. Ngoài tặng quà, chúng tôi còn xét tặng xe lăn, xe lắc, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí… cho các nạn nhân và gia đình. Công tác vận động chăm lo cho nạn nhân da cam trên địa bàn luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm và hỗ trợ kịp thời”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>