Chung tay hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

01/12/2017 | 09:09 GMT+7

Công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả kha quan, song tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là cộng đồng xã hội hãy chung tay hành động chấm dứt tình trạng này.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017.

Những vụ việc đau lòng

Chuyện xảy ra cách đây gần 2 tháng, nhưng khi nhắc đến hành vi đồi bại của ông T.C.D., ở khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh, gây ra với cháu N.T.B.T., ở ấp 3, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, mọi người ai nấy không khỏi phẫn nộ trước hành vi mất hết nhân tính của kẻ này. Được biết, ông D. với bà N. chung sống với nhau như vợ chồng đã 12 năm nay. Mỗi ngày, ông thường qua lại giữa nhà ông ở phường V và nhà bà N.

Ôm đứa cháu ngoại đáng thương vào lòng, bà N.T.N. không giấu được sự tức giận, nói: “Ông ấy đâu còn là người nữa, nếu là người thì đâu làm nên chuyện tày trời như vậy. B.T. chỉ mới có 9 tuổi đầu, nó có biết gì đâu”. Nói rồi, bà kể về sự việc xảy ra với đứa cháu ngoại của mình. Vào một ngày tháng 8 âm lịch, hôm ấy bà với ông D. đi chợ xin đầu cá về nấu cho heo ăn. Vì đi xin người này người kia, mất thời gian chờ đợi nên ông D. bực bội. Thay vậy, bà N. liền nói, ông về nhà ở phường V đi, chừng nào tôi xin cá xong điện thoại ông lại rước về. Nghe vậy, ông D. liền lấy xe chạy đi. Sau khi xin được khá nhiều đầu cá, bà N. gọi điện thoại 3, 4 lần mà ông D. khong bắt máy, bực tức, bà đi xe Honda ôm về nhà.

Về đến nhà, bà thấy chiếc xe máy đậu phía trước, cánh cửa mở he hé, trong nhà vang vọng tiếng la của B.T., ngay lập tức bà đẩy cánh cửa bước vào nhà, thì thấy chuyện tày đình hiện ra trước mắt, ông D. đang sờ mó bộ phận nhạy cảm của B.T. Quá tức giận, bà N. liền chửi và đánh ông D. hai cái. Lúc này, ông D. xin bà tha thứ và hứa sẽ không dám tái phạm nữa. Vừa thương cháu, lại vừa tức giận người cùng chăn gối sao nỡ làm chuyện như vậy, bà N. càng chửi ông D. nhiều hơn. Ông D. nói với B.T., bà ngoại giận dữ quá, để ông về nhà vài bữa rồi về.

Khi ông đi vài ngày, B.T. nhắc sao ông ngoại đi lâu quá không về, không ai cho tiền con đi học. Lúc này, bà N. liền hoài nghi, bà lo sợ điều chẳng lành, nên gạ hỏi. Sau nhiều lần gạ hỏi, B.T. mới kể lại chuyện mà “ông ngoại ngang hông” gây ra với em. “Ông ngoại dọa sẽ bóp cổ con nhét xuống mương lục bình nên con chẳng dám kể cho bà ngoại nghe”, B.T. chia sẻ.

Từ ngày sự việc đau lòng xảy ra, B.T. ít nói ít cười, em chỉ quanh quẩn ở nhà và lo sợ cái nhìn của mọi người. Cha mẹ B.T. ly hôn, do đó, em sống cùng bà N. từ nhỏ. Hoàn cảnh kinh tế bà N. cũng khó khăn, do đó, bà thường xuyên đi làm, ít dành thời gian để quan tâm, chăm lo cho em. Với lại, em cũng chưa được trang bị những kiến thức về giới tính, để biết cách chủ động phòng tránh những hành động xâm phạm đến thân thể của mình. “Thấy nó còn nhỏ nên tôi cũng chưa giải thích cho nó hiểu hết những chuyện có thể xảy ra đối với con gái. Giờ chuyện xảy ra rồi, tôi chỉ còn biết an ủi, động viên để cháu ổn định về mặt tâm lý, tiếp tục học hành”, bà N. chia sẻ.

Qua câu chuyện của B.T. cho thấy, kẻ ác rất đáng bị trừng trị, nhưng cũng có thể thấy gia đình chưa quan tâm nhiều đến em nên chưa giáo dục kỹ năng bảo vệ bản thân mình, hoặc khi có sự việc xảy ra phải báo cho người thân hay, không được lo sợ mà giấu giếm, gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Không riêng tình trạng trẻ em bị xâm hại, một số phụ nữ khi bị bạo hành trong gia đình vẫn im lặng. Nguyên nhân là do, mọi người e ngại sự dèm pha của láng giềng xung quanh. Chỉ đến khi nào hậu quả sự việc nghiêm trọng thì mới được phát hiện. Chính vì vậy, để tự bảo vệ mình, thì phụ nữ và trẻ em cần lên tiếng, tự tin chia sẻ mọi chuyện với ngành chức năng liên quan hoặc người thân, để có hướng giải quyết kịp thời.

Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và trẻ em

Công tác bình đẳng giới và phòng, chong bạo lực trên cơ sở giới là một trong những vấn đề quan trọng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, các vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em đã giảm đáng kể qua các năm. Tuy nhiên, tính chất vụ việc vẫn không kém phần nguy hiểm và diễn biến phức tạp. Vì vậy, để góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, các cấp, các ngành và địa phương đã và đang tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan, đồng thời lồng ghép chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới nhằm truyền đi thông điệp “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Ngoài công tác truyền thông, theo bà Thái Vinh Hoa, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, để chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trước tiên cần nâng cao nhận thức của xã hội, huy động sức mạnh dư luận xã hội trong phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Đặc biệt, các bậc làm cha làm mẹ nên dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân ngay từ nhỏ. Riêng đối với chị em phụ nữ khi bị bạo lực cần lên tiếng, để chủ động bảo vệ bản thân.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ bạo lực, 19 vụ trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 1 trẻ em bị giết. Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành trên toàn tỉnh chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại, giao lưu văn nghệ về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những nạn nhân bị bạo lực, xâm hại để có giải pháp hỗ trợ, ngăn ngừa kịp thời. Song song đó, uốn nắn những kẻ gây bạo lực…

Để bao vệ phụ nữ, trẻ em gái khỏi bạo lực, xâm hại, trước hết cần tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội. Khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân không nên im lặng, hãy lên tiếng để có được sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>