Xử lý nhiều tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật

27/09/2019 | 07:39 GMT+7

Báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, bên cạnh việc tổ chức, quản lý thông tin tốt, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” các tạp chí. Qua đó, xử lý nghiêm các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, xử lý nghiêm nhiều vụ việc báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín danh dự của cá nhân.

Cụ thể, từ năm 2018 đến ngày 10/5/2019, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt 37 trường hợp thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác và quảng cáo không phù hợp nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận với tổng số tiền 617,5 triệu đồng; 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí với tổng số tiền 245 triệu đồng.

Năm 2018, Bộ đã tiếp nhận gần 300 đơn thư, khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức với nội dung phản ánh chủ yếu là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Báo điện tử là loại hình báo chí bị phản ánh nhiều nhất, chiếm đa số.

Từ hệ thống đường dây nóng của Bộ, các cơ quan đã hướng dẫn, trả lời cho các cá nhân, tổ chức và chủ động ngăn chặn, có biện pháp xử lý hành vi vi phạm. Nhiều thông tin từ đường dây nóng được thông báo cho lãnh đạo cơ quan báo chí để quản lý phóng viên, đồng thời rút kinh nghiệm trong giao ban báo chí hàng tuần và được cung cấp cho Hội Nhà báo Việt Nam để xem xét, xử lý về đạo đức nghề nghiệp.

Theo đó, từ năm 2018 đến ngày 10/5/2019, Cục Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp với tổng số tiền 700.200.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 trường hợp (Báo Tuổi trẻ Online và Báo điện tử Người tiêu dùng); thu hồi 8 thẻ nhà báo do có sai phạm.

Việc xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí và thông tin trên mạng thời gian qua đã góp phần chấn chỉnh, ngăn chặn những tiêu cực trong hoạt động báo chí. Nguyên nhân chính dẫn đến thông tin sai sự thật trên báo chí là việc buông lỏng công tác biên tập, đặc biệt là kiểm chứng nguồn tin, nhiều trường hợp cơ quan báo chí không thực hiện kiểm chứng nguồn tin.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra hiện nay phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi, sử dụng dịch vụ của nước ngoài, dùng tên giả để hoạt động,… trong nhiều trường hợp nếu chỉ sử dụng biện pháp hành chính thì không thể xác minh, xử lý được. Để đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xác minh đối tượng vi phạm, xử lý vi phạm.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng với Việt Nam để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại, trong đó sẽ tập trung 3 nhóm vấn đề chính: vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế; chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở Văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng.

Tính đến ngày 15/6/2019, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play; Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc, Apple đã gỡ bỏ 9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.

Để từng bước xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (Fake News) trên nền tảng Facebook và Youtube, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng và đồng thời yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>