Trả lời kiến nghị của cử tri

08/10/2020 | 19:12 GMT+7

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Trồng dưa lưới trong nhà kính ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang.

Cử tri kiến nghị:

Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu sản phẩm và hệ thống nhà máy bảo quản, chế biến nông sản cho nông dân, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa; có chính sách cụ thể hỗ trợ cho nông dân trong phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Về quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu và hệ thống nhà máy bảo quản, chế biến nông sản:

Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương lồng ghép nội dung quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp đã phê duyệt vào quy hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương để tiếp tục thực hiện. Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và theo nhu cầu thị trường; đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương.

Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến tinh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản. Vì vậy, công nghiệp chế biến, bảo quản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, tăng nhanh số lượng, quy mô, tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp; một số doanh nghiệp đầu tư vốn lớn, công nghệ cao để tiếp cận và nâng cao năng lực cạnh tranh so với khu vực và quốc tế (từ năm 2018 đến nay, tổng số vốn đầu tư trên 33.000 tỉ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước).

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành nghề chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu, logistics thương mại nông sản toàn cầu. Và Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 25 trong đó đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Về chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0:

Xác định khoa học, công nghệ là then chốt trong tái cơ cấu ngành, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/2008 và Quyết định số 01/2012 ngày 4/1/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định số 11/2006 phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30 ngày 7/3/2017 của Chính phủ. Để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Chỉ thị số 16; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 6524 về tăng cường tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đến nay, trên cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, hoa, chuối được địa phương công nhận, 45 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Hậu Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận nông nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất một số loại nông sản, thủy sản chủ lực. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ diện tích 5.200ha với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt hiệu quả cao với các sản phẩm như cá thát lát cườm, dứa/khóm, xoài, chanh không hạt, mãng cầu...

Thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau:

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tạo thuận lợi hơn nữa cho cơ cấu lại nông nghiệp. Trong đó, tập trung nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành.

Rà soát các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã được ban hành trước đây để tích hợp vào quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương xây dựng, trình phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030 được phân công theo quy định của Luật Quy hoạch, trong đó lồng ghép nội dung về phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và chế biến nông sản.

Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp theo Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>