Trả lời kiến nghị của cử tri

24/08/2018 | 08:15 GMT+7

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích mô hình trồng trọt bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cử tri kiến nghị:

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại cây trồng với năng suất cao so với thế giới. Tuy nhiên, do sản xuất theo số lượng, lạm dụng phân bón, hóa chất đã làm cho chất lượng nông sản giảm, đất đai thoái hóa, nguồn nước ô nhiễm, đa dạng sinh học suy giảm...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang có cơ hội phát triển do mô hình này cho phép khai thác tối ưu nguồn tài nguyên như: đất, năng lượng, chất dinh dưỡng với một phương pháp quản lý hợp lý nhất để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản… và quy trình sản xuất lại khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất.

Đề nghị có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất; cần có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất các sản phẩm hữu cơ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Việt Nam là nước có lịch sử sản xuất nông nghiệp và phương thức canh tác hữu cơ từ lâu đời. Từ những năm 1990, một số tổ chức đã nghiên cứu, đầu tư các dự án sản xuất hữu cơ và giúp cho nông dân hiểu biết hơn về nông nghiệp hữu cơ. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đến năm 2016, nước ta có khoảng gần 80.000ha canh tác theo nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng phát triển tiến bộ của nông nghiệp thế giới. Là nước xuất khẩu nông sản lớn, Việt Nam cũng nắm bắt xu hướng này của thị trường toàn cầu. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động tiếp cận áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đã được chứng nhận, xuất khẩu đi nhiều nước.

Tuy nhiên, hiện tại nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển chưa tương xứng với nhu cầu; việc cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ chủ yếu mang tính tự phát, dựa vào niềm tin của khách hàng, nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước; xuất hiện nhiều hiện tượng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Quỹ đất để sản xuất hữu cơ không nhiều và cần phải có thời gian dài để cải tạo chuyển đổi, quy mô sản xuất nhỏ, chi phí đầu tư cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao và thị trường không ổn định.

Khắc phục những tồn tại trên đòi hỏi cần phải có hành lang pháp lý của Nhà nước quản lý giúp nông nghiệp hữu cơ phát triển đúng nghĩa và bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng phát triển chung, sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường sống của xã hội; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển mạnh mẽ phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường thế giới.

Những đề nghị của cử tri nêu trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trong các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, cụ thể:

- Xây dựng nghị định nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo hành lang pháp lý cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Hiện tại, dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và Bộ đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tới năm 2025.

- Đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc thù cho đối tượng khó khăn (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ nông dân, nhóm hộ) và bổ sung sản xuất nông nghiệp hữu cơ là lĩnh vực được ưu tiên áp dụng các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn đã ban hành; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chuyển đổi sản xuất theo phương thức hữu cơ.

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, logo, truy xuất nguồn gốc, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.

- Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật: bảo vệ và cải thiện độ phì nhiêu đất đai, ổn định hàm lượng hữu cơ trong đất, ứng dụng công nghệ sinh học; khuyến khích các mô hình trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các cơ chế, chính sách của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phân phối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn từ vật tư đầu vào đến sơ chế, chế biến, đóng gói, dán nhãn phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ, ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ.

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch từng ngành hàng, sản phẩm để tích hợp chung vào các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và chuyển đổi thành các đề án phát triển các lĩnh vực, ngành hàng nông sản, trong đó có đáp ứng nhu cầu của phát triển nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ để đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Đất đai theo hướng mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp và cho phép được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các xã, huyện, tỉnh đối với cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp; nới lỏng quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp cao cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>