Trả lời kiến nghị của cử tri

29/06/2018 | 07:30 GMT+7

(Tiếp theo)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

+ Bộ đã ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai đề án sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” đến năm 2020. Mục tiêu là nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, có giá bán tối thiểu 600 USD/tấn đối với gạo trắng hạt dài và 800 USD/tấn đối với gạo thơm; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các dự án phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng “cánh đồng lớn”, vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn, có hệ thống sấy lúa, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất; đồng thời hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lúa gạo, xây dựng được các thương hiệu lúa gạo có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch, xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao.

Ngoài ra căn cứ vào điều kiện thời tiết khí hậu của từng năm, từng vùng cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo kịp thời về việc điều chỉnh thời vụ cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo.

Đối với việc phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, tận dụng phế phụ phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm từ lúa gạo.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chủ trì và tham gia, phối hợp với các bộ, ngành tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống chế biến nông sản, trong đó trọng tâm là:

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch” (Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB ngày 13/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm; đầu tư giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ; trong Quyết định số 639/QĐ-BNN-KH, ngày 2/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu đã quy hoạch, xây dựng các vùng tập trung, các cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 1,2 triệu ha gắn với các nhà máy chế biến lúa gạo xuất khẩu; trong đó có 60% diện tích sử dụng các giống chất lượng cao.

- Tiếp tục triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản;

- Phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi những chính sách đã có cho phù hợp, hiệu quả hơn như sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, nông thôn; chú trọng đến việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho chế biến nông sản theo hướng chuyển dịch sang phân khúc sản phẩm chế biến sâu, các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường để mở rộng thị trường xuất khẩu; sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và gắn kết với vùng nguyên liệu; triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết của Chính phủ số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 và các cơ chế, chính sách liên quan; triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản nói chung, cũng như trong chế biến lúa gạo.

- Để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gạo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030’’ theo Quyết định phê duyệt số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam và chọn được tác phẩm đẹp, phù hợp với yêu cầu làm biểu trưng cho thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam; hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và chuẩn bị hồ sơ để đăng ký quốc tế Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”; hoàn thành xây dựng và đã công bố 3 Tiêu chuẩn quốc gia làm cơ sở về yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm được mang thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam (TCVN 11888:2017 Gạo trắng; TCVN 11889:2017 Gạo thơm trắng; TCVN 11890:2017 Quy phạm thực hành đối với xay xát gạo). Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ thí điểm xét chọn một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo tiêu biểu để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Tiếp tục mở rộng cấp Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>