Trả lời kiến nghị của cử tri

22/06/2018 | 09:58 GMT+7

Cử tri kiến nghị cơ cấu lại giống lúa để nâng cao chất lượng gạo, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Cử tri kiến nghị:

Sản xuất lúa gạo Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức, bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, để ngành hàng lúa gạo phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Cử tri kiến nghị có cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, xác định lại cơ cấu thị trường, các vùng chuyên canh, cơ cấu lại giống lúa, cơ cấu mùa vụ, nghiên cứu phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, tận dụng phế phụ phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm từ lúa gạo đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Để phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, xác định lại cơ cấu thị trường, quy hoạch vùng chuyên canh, cơ cấu lại giống lúa, mùa vụ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể như sau:

- Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, mức hỗ trợ cho địa phưong sản xuất lúa đã được nâng lên từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ha/năm; Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 về khuyến nông. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có chương trình khuyến nông hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, VietGAP, mô hình ứng dụng các giống lúa mới có chất lượng cao để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gạo đáp ứng yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 nhằm cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm, chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản có thị trường và hiệu quả hơn phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng với việc phát triển mạnh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn ở những vùng phì nhiêu, màu mỡ. Đối với những vùng bị nhiễm mặn hoặc thiếu nước ngọt, cần chuyển sang các cây trồng chịu mặn hoặc nuôi trồng thủy sản và xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/04/2016, ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, với mục đích khai thác cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, đẩy mạnh việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực lúa gạo bảo đảm cung - cầu, tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với lợi thế cạnh tranh nhất; liên kết phát triển hạ tầng giao thông; liên kết phát triển hạ tầng thủy lợi. Thực hiện đồng bộ, gắn chặt tính liên kết sản xuất, liên kết vùng; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nông dân, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân nhằm khuyến khích liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 về phê duyệt đề án giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 để cải thiện chất lượng giống lúa. Đồng thời, để khuyến khích các hộ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là những giống cây trồng có chất lượng cao, đặc sản, quy trình canh tác tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này phấn đấu điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành một số chính sách có liên quan đến định hướng phát triển nông nghiệp, trong đó có ngành lúa gạo như sau:

+ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 về hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 101/BNN - KH ngày 15/01/2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển lúa Thu đông vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

+ Đề án sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” đến năm 2020 với mục tiêu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng “cánh đồng lớn”, vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn, có hệ thống chế biến phù hợp với quy mô sản xuất; đồng thời hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lúa gạo, xây dựng được các thương hiệu lúa gạo có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng mô hình tổ chức sản xuất theo hướng xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu dựa trên cơ cấu chất lượng giống lúa theo hướng gia tăng các nhóm giống lúa thơm, đặc sản, nếp; giữ ổn định nhóm giống lúa chất lượng cao và giảm dần giống lúa chất lượng trung bình, thấp (trong đó có giống lúa IR 50404). Đồng thời, đề án cũng tập trung vào nội dung nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị trên “cánh đồng lớn”; tổ chức xây dựng “cánh đồng lớn”, vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các vùng;

 (Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>