Trả lời kiến nghị của cử tri

20/04/2018 | 07:37 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức không giảm so năm 2016. Về xuất khẩu nông sản, phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực, giá cả nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa phục hồi, trong khi thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Cử tri kiến nghị có giải pháp điều chỉnh.

Cử tri kiến nghị có giải pháp bình ổn giá cả các mặt hàng nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời:

Năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức đúng như cử tri đã nêu, bao gồm: Biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai bão, lũ xảy ra liên tiếp quanh năm trên khắp cả nước; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; năng lực sản xuất khá cao trong khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán...

Nhận định được những khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm 2017, Bộ NN&PTNT đã triển khai hàng loạt các giải pháp ứng phó cũng như tích cực triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và tháo gỡ nhiều rào cản, giúp nông sản Việt Nam xâm nhập tốt hơn vào các thị trường quốc tế.

Nhằm tăng cường khả năng đàm phán mở cửa thị trường cho hàng hóa nông sản Việt Nam, Bộ đã thành lập một cơ quan chuyên trách về phát triển thị trường là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với nhiệm vụ chính là làm đầu mối của Bộ trong việc điều phối, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản, tham gia đàm phán tháo gỡ các rào cản thuế quan và rào cản kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu, tìm kiếm mở cửa các thị trường mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản Việt Nam, nhất là tại các hội chợ, triển lãm nông sản và thực phẩm quốc tế, ví dụ như Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ tại Bốt-xtơn (Mỹ), Hội chợ Thủy sản Quốc tế tại Brúc-xen (Bỉ), Hội chợ Thực phẩm Quốc tế Mát-xcơ-va (LB Nga), Hội chợ Quảng Châu (Trung Quốc),... và mời các doanh nghiệp nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm về nông sản tổ chức tại Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, vượt lên những thách thức lớn đã được xác định từ đầu năm, năm 2017, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục mới.

Theo kế hoạch ban đầu, mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu cả năm từ 32,5-32,8 tỉ USD, song kết quả xuất khẩu năm 2017 đạt được 36,52 tỉ USD, tăng trên 13% so năm 2016; thặng dư thương mại ước đạt 8,55 tỉ USD, tăng khoảng 1,1 tỉ USD so năm 2016, trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 18,96 tỉ USD (tăng 15,7%); thủy sản đạt 8,32 tỉ USD (tăng 18%); đồ gỗ và lâm sản đạt xấp xỉ 8 tỉ USD (tăng 9,2%), rau quả 3,57 tỉ USD (tăng 40,5%), cao su 2,26 tỉ USD (tăng 35,6%), hạt điều 3,52 tỉ USD (tăng 23,8%).

Tuy đạt được nhiều kết quả như trên nhưng nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần phải có giải pháp cấp bách trước mắt và các giải pháp chiến lược căn cơ lâu dài để tập trung khắc phục trong năm 2018 và thời gian tới.

Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước và của ngành. Bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những thách thức lớn từ rào cản thương mại tại các thị trường quốc tế ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực, giá cả nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa phục hồi, trong khi thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ.

Nhận thức được những khó khăn, thách thức nói trên, ngay từ đầu năm 2018, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, tập trung vào các nội dung, giải pháp cụ thể.

Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường, giải quyết rào cản thương mại, Bộ NN&PTNT xác định các giải pháp lớn sau:

- Nhóm giải pháp về thể chế: Bộ sẽ tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, đặc biệt là hệ thống phát triển thị trường, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam: Tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản (sửa đổi) và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan và hoàn thành tốt các văn bản quy phạm pháp luật được giao.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>