Trả lời kiến nghị của cử tri

13/04/2018 | 07:51 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Chính sách bảo hộ toàn cầu đối với rau, củ, quả biến đổi khí hậu, năng lực quản lý chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các loại rau, củ, quả của nước ta trong thời gian tới, đòi hỏi cần có sự thay đổi phù hợp, từ các nhà làm chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp và nông dân. Kiến nghị đưa ra các giải pháp để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu đối với ngành rau, củ, quả với tư cách là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Đến nay, có khoảng 40 loại rau, quả của Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời:

Trong năm 2017, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành sâu sát của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đến nay, có khoảng 40 loại rau, quả của Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,5 tỉ USD, tăng 43,02% so năm 2016, vượt qua kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu rau, quả chủ yếu trong năm 2017 của Việt Nam gồm: Trung Quốc chiếm 75,6%, Nhật Bản (3,64%) Hoa Kỳ (2,94%), Hàn Quốc (2,59%), Hà Lan (1,81%), Malaysia (1,43%), Đài Loan - Trung Hoa (1,33%), Thái Lan (1,03%), Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) (1,01%), Nga (0,85%). Các thị trường khác chiếm 7,77%.

Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường có yêu cầu cao về kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...

Nhằm phát triển hơn nữa trong việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu đối với ngành rau, củ, quả với tư cách là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể như sau:

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ NN&PTNT đã chủ động thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, làm đầu mối của Bộ điều phối các hoạt động tổ chức xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản nói chung và thị trường rau quả xuất khẩu nói riêng, trong đó công tác dự báo thị trường và tìm đầu ra cho nông sản chủ lực, nhất là mặt hàng rau, quả được tập trung ưu tiên. Xây dựng Đề án tham tán thương mại nông nghiệp tại nước ngoài trình Chính phủ, đồng thời đã kết nối chặt chẽ với tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh thu thập và cung cấp thông tin thị trường đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu rau quả của cả nước.

Bộ cũng đã xuất bản bản tin thị trường nông sản hàng tuần gửi đến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong đó có Hiệp hội rau quả Việt Nam để cung cấp thông tin (bao gồm thông tin giá cả, phân tích và dự báo thị trường) cho các doanh nghiệp hội viên. Tập trung ưu tiên đẩy mạnh đàm phán, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao như: Úc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trong năm 2017, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng phối hợp với các bộ, ngành đàm phán thành công xuất khẩu một số loại trái cây vào các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như xuất khẩu thanh long vào thị trường Úc, vú sữa tươi, xoài tươi sang thị trường Hoa Kỳ, vải tươi sang Thái Lan, chanh leo tươi sang thị trường Thụy Sĩ và EU...

Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức liên quan, kể cả những tổ chức phi chính phủ nghiên cứu, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách giúp người dân tiêu thụ sản phẩm làm ra thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chế biến và kinh doanh nông sản. Nhiều mô hình liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp đã được nghiên cứu và triển khai trên thực tế. Cho đến hiện nay, cả nước đã có 746 mô hình liên kết tiêu thụ nông sản sạch được thực hiện với diện tích 579.000ha (có 516.000ha lúa, còn lại là các loại nông sản khác).

Triển khai Quyết định số 1819/QĐ-TTg về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, Bộ NN&PTNT đang thực hiện mạnh mẽ việc rà soát lại quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng, miền; chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn; phát triển rau, quả, hoa công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và tăng cường liên kết tiêu thụ. Trong đó, giải pháp quan trọng là “Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp”, “tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp” và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu”.

Trong những năm tới, Bộ tập trung phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất rau, củ, quả mang tính ổn định theo quy trình chặt chẽ, có kiểm soát để đảm bảo cung ứng nguyên liệu ổn định chất lượng cao làm tiền đề cho khâu chế biến và xuất khẩu.

Sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng rau, quả của Việt Nam có mặt tại các thị trường này; nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng trồng rau quả xuất khẩu; thực hiện sản xuất rau, trái cây theo mô hình VietGAP, GlobalGAP, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Phối hợp với Bộ Công thương và các hiệp hội ngành hàng hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia đối với những loại sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau, quả.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chú ý tổng kết kinh nghiệm từ những mô hình liên kết đã được triển khai, đồng thời tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp hơn với thực tế nhằm hỗ trợ ngày càng tốt hơn trong việc bao tiêu sản phẩm, giải quyết đầu ra đối với các mặt hàng rau, quả.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>