Trả lời kiến nghị của cử tri

23/03/2018 | 08:15 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ sớm có chủ trương thống nhất để các tỉnh, thành phố mua thẻ bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân tự vệ, công an viên thường trực luân phiên tại ban chỉ huy quân sự, công an cấp xã; dân phòng, bộ đội phục viên, xuất ngũ, cựu quân nhân.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy cán bộ, công chức.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:

Về nội dung kiến nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin tiếp thu và tích cực tham gia, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn để lực lượng dân quân tự vệ, công an viên thường trực luân phiên tại ban chỉ huy quân sự, công an cấp xã; dân phòng, bộ đội phục viên, xuất ngũ, cựu quân nhân thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

Cử tri kiến nghị:

Cử tri và Nhân dân đồng tình về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng cho rằng việc thực hiện cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cải cách tiền lương, cơ cấu lại tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời mong muốn việc tổ chức tuyển dụng và thi tuyển cần thực sự khách quan, công khai, minh bạch nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trên thực tế, đội ngũ công chức không giảm đi mà ngày càng tăng lên đối với các cấp.

Bộ Nội vụ trả lời:

1. Về tinh giản biên chế

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước giảm 2,9% so với biên chế công chức được giao năm 2015 (giảm 8.001 người). Tuy nhiên tổng biên chế công chức, viên chức năm 2017 chưa giảm được so với mục tiêu tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương sáu (khóa XII) của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18) và Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19). Một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện được mục tiêu nêu trên là đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công.

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19, trong đó có giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công như kiến nghị của cử tri.

2. Về tổ chức tuyển dụng và thi tuyển công chức

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24 ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29 ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 68 ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 5701 ngày 27/10/2017 của Bộ Nội vụ).

Theo đó, tại dự thảo nghị định, Bộ Nội vụ có đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quy định liên quan đến tuyển dụng công chức nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn việc tuyển dụng công chức với người sử dụng công chức và với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>