Trả lời kiến nghị của cử tri

09/03/2018 | 07:37 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Theo Quyết định số 08 ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35 ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính quy định hướng dẫn mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo hình thức 6 tháng/lần: xã đăng ký lên huyện, huyện đăng ký lên tỉnh (ví dụ: máy photo, máy vi tính... bị chập cháy, bị hư hỏng, cần thay thế, phải chờ thẩm định, phê duyệt không có thiết bị làm việc ảnh hưởng đến công tác chuyên môn). Mặt khác, hiện nay Nghị định số 43 của Chính phủ ngày 25/4/2006 quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, do đó, việc mua sắm tập trung không kịp thời, chưa phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chuyên môn ở cơ sở.

Cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh việc quy định mua sắm tài sản nhà nước trên cơ sở dự toán được giao và căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị.

Đề nghị xem xét điều chỉnh việc quy định mua sắm tài sản nhà nước giao cho các đơn vị chủ động mua sắm tài sản trên cơ sở dự toán được giao và căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị.

Bộ Tài chính trả lời:

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết số 21 ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Nghị quyết số 98 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; căn cứ Luật Đấu thầu số 43 năm 2013, Nghị định số 63 ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Nghị định số 52 ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08 ngày 26/02/2016 và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 35 ngày 26/2/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.

Để thực hiện phương thức mua sắm tập trung, các đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản phải xây dựng kế hoạch và dự toán mua sắm ngay từ đầu kỳ ngân sách để đăng ký với đơn vị mua sắm tập trung làm cơ sở để đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Thông tư số 35 ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính quy định:

- Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, nhu cầu và hiện trạng sử dụng tài sản, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó, xác định cụ thể chủng loại, số lượng, dự toán kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung;

- Căn cứ thông báo dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh trước ngày 31-1 hàng năm.

- Đơn vị mua sắm tập trung cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của địa phương.

- Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Như vậy, nếu thực hiện theo đúng quy trình nêu trên, việc mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung sẽ đáp ứng được yêu cầu về tài sản của các đơn vị đã được bố trí dự toán mua sắm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35 của Bộ Tài chính không quy định việc đăng ký nhu cầu mua sắm tài sản theo định kỳ 6 tháng/lần.

Đối với các trường hợp phát sinh nhu cầu đột xuất về tài sản (do bị chập cháy, hư hỏng đột xuất...), chưa được bố trí trong dự toán ngân sách từ đầu năm, đơn vị có nhu cầu về tài sản đề nghị đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung ký kết để mua sắm hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp quy định của pháp luật về đấu thầu để giải quyết (tương tự trường hợp các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản tổ chức mua sắm). Vì vậy, không ảnh hưởng lớn tới việc đáp ứng nhu cầu về tài sản của đơn vị.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, việc mua sắm từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp chỉ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; không áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>