Trả lời kiến nghị của cử tri

23/02/2018 | 07:52 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Cử tri được biết hiện nay ngoài Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá (Cục Quản lý giá) thì còn một số bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý giá đối với một số mặt hàng, một số sản phẩm như: Sản phẩm sữa và các mặt hàng làm từ sữa; xăng dầu chịu sự quản lý về giá của Bộ Tài chính và Bộ Công thương; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản chịu sự quản lý về giá của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Kiến nghị các bộ, ngành liên quan có giải pháp chấn chỉnh.

Cử tri cho rằng thức ăn thủy sản chịu sự quản lý về giá của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính trả lời:

- Tại Điều 8 Luật Giá quy định:

“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định”.

Căn cứ quy định tại Luật Giá, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định số 149 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177. Theo đó, tại 2 nghị định này đã quy định phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý giá cho các bộ, UBND cấp tỉnh trong hoạt động điều tiết giá của Nhà nước, đảm bảo vai trò chủ trì quản lý giá theo lĩnh vực của các bộ quản lý ngành rõ ràng, không chồng chéo, cụ thể như sau:

Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước gồm 4 hình thức: Bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá và kiểm tra yếu tố hình thành giá; và thẩm quyền chủ trì quản lý nhà nước về giá của Bộ Tài chính và các bộ quản lý ngành đối với hoạt động điều tiết giá được quy định cụ thể, phân rõ trách nhiệm như sau:

(i) Bình ổn giá

- Về hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng bình ổn giá (khoản 2 Điều 1 Nghị định 149/2016/CP):

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn danh mục mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, muối ăn, đường ăn, thóc, gạo tẻ thường.

+ Bộ Công thương chủ trì hướng dẫn danh mục mặt hàng phân đạm urê; phân NPK.

+ Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn danh mục mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc quy định hướng dẫn danh mục mặt hàng bình ổn giá như trên là phù hợp với chức năng quản lý ngành của các bộ để đảm bảo chính xác tên gọi, chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà các bộ đang quản lý.

- Về thẩm quyền, trách nhiệm quyết định áp dụng và thực hiện biện pháp bình ổn giá (khoản 3, 4, 5 Điều 7 Nghị định 177 và khoản 5 Điều 1 Nghị định 149/2013/CP): Nghị định đã phân cấp thẩm quyền cho Bộ Tài chính và các bộ thực hiện biện pháp bình ổn giá theo đúng chức năng quản lý ngành của từng bộ:

+ Bộ Tài chính thực hiện: Mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia; các biện pháp về tài chính; hỗ trợ về giá; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá;

Đăng ký giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với: Các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; trừ mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Bộ Công thương thực hiện: Điều hòa cung cầu hàng, kiểm soát hàng hóa tồn kho thuộc thẩm quyền quản lý;

Đăng ký giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với mặt hàng: Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện: Điều hòa cung cầu hàng, kiểm soát hàng hóa tồn kho thuộc thẩm quyền quản lý.

+ Bộ Y tế thực hiện: Điều hòa cung cầu hàng, kiểm soát hàng hóa tồn kho đối với mặt hàng thuộc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu;

Đăng ký giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với mặt hàng: Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật để bình ổn giá.

(ii) Định giá nhà nước:

Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 149 quy định rất cụ thể thẩm quyền định giá của bộ trưởng các bộ tại các điều khoản tách biệt và không trùng lặp mặt hàng thực hiện định giá: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải,...

(iii) Hiệp thương giá:

Tại Điều 11 Nghị định 177 quy định về thành phần tham gia hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Cơ quan tổ chức hiệp thương giá theo quy định tại Điều 24 Luật Giá (Bộ Tài chính, Sở Tài chính); đại diện bên mua, bên bán; đại diện của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan có liên quan theo yêu cầu của cơ quan tổ chức hiệp thương giá.

(iv) Kiểm tra yếu tố hình thành giá:

Thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Luật Giá:

+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Ngoài ra, tại Luật Giá và các nghị định hướng dẫn có quy định về kê khai giá, theo đó tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP đã phân cấp thẩm quyền tiếp nhận kê khai giá của các bộ:

+ Bộ Tài chính: Xi măng, thép xây dựng, than, thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản, thuốc thú y...

+ Bộ Công thương: Thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

+ Bộ Giao thông Vận tải: Dịch vụ chuyên ngành hàng không, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt.

+ Bộ Y tế: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người.

Như vậy, theo quy định tại Luật Giá và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện nêu trên, trách nhiệm quản lý giá của Bộ Tài chính và các bộ quản lý ngành được Chính phủ phân công thẩm quyền quản lý rõ ràng, không chồng chéo và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành của các bộ và đảm bảo nguyên tắc quy định tại Luật Giá là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>