Trả lời kiến nghị của cử tri

26/01/2018 | 08:09 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị ổn định giá lúa cùng các mặt hàng nông sản khác trong thời điểm giá vật tư nông nghiệp luôn ở mức cao trong khi giá cả không ổn định, khi thu hoạch còn bị tiểu thương, “cò” ép giá nên nông dân thường thua lỗ và các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát giá cả, chất lượng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất.

Cử tri đề nghị ổn định giá lúa cùng các mặt hàng nông sản khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

1. Để tăng cường công tác kiểm soát giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp, giúp nông dân an tâm sản xuất, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp như:

- Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại vật tư nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh; nông dân có cơ hội lựa chọn những loại vật tư nông nghiệp phù họp, đảm bảo chất lượng.

- Rà soát, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý vật tư nông nghiệp: Nghị định số 119 ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; Nghị định số 163 ngày 12/11/2013, Nghị định số 115 ngày 08/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 202 ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Nghị định số 66 ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản và thực phẩm; Nghị định số 31 ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 39 ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Nghị định số 41 ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định số 90 ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y...

- Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại vật tư nông nghiệp. Đến nay, đã có 442 tiêu chuẩn và 189 quy chuẩn liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp.

- Thực hiện quản lý toàn diện giá vật tư nông nghiệp theo quy định của Luật Giá; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện việc niêm yết công khai giá vật tư nông nghiệp.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

2. Để ổn định giá lúa cũng như các mặt hàng nông sản khác, nhiều giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Cụ thể là:

- Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch các ngành và sản phẩm chủ lực theo hướng tiếp cận thị trường, làm cơ sở để các địa phương định hướng chỉ đạo phát triển sản xuất.

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: Chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là đầu tư hệ thống thủy lợi; Chính sách hỗ trợ sản xuất giống gốc, giống đầu dòng theo Quyết định số 2194 ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ lãi suất để nông dân mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68 ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62 ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ lúa gạo khi giá lúa trên thị trường giảm sâu...

- Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm nông sản Việt Nam tại các nước, hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam..., tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.

- Về lâu dài, để giải quyết căn cơ những tồn tại của sản xuất nông nghiệp, trong đó có vấn đề về giá cả nông sản; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại Quyết định số 899 ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>