Tiếp tục đổi mới có hiệu quả công tác cai nghiện

18/10/2019 | 07:37 GMT+7

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 5-2019, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ&TB-XH) đã nhận và trả lời 52 phiếu ghi chất vấn với 74 ý kiến chất vấn của ĐBQH liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ này, sau khi nhận được chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiêm túc nghiên cứu các nội dung chất vấn, khẩn trương trả lời, đảm bảo tiến độ, qua đó cung cấp thêm thông tin và góp phần làm rõ những nội dung mà ĐBQH, cử tri còn băn khoăn. Các nội dung trả lời của Bộ bảo đảm tính khả thi theo đúng quy định, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đúng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Thông tin việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, nội dung Bộ phối hợp với Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích cai nghiện tự nguyện; về hỗ trợ người sau cai nghiện; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác cai nghiện; đổi mới cách thức quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện... Bộ cho biết:

Để tiếp tục chỉ đạo đổi mới có hiệu quả công tác cai nghiện, đẩy mạnh chuyển đổi các cơ sở cai nghiện, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện theo hướng thân thiện, từ năm 2016-2018, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đơn giản thủ tục tiếp nhận, bảo mật thông tin cá nhân và hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện; quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giảm dần cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng dần cơ sở cai nghiện tự nguyện, đồng thời phát triển các điểm vệ tinh của cơ sở cai nghiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người cai nghiện.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành theo thẩm quyền các thông tư hướng dẫn ban hành khung đào tạo về tư vấn điều trị nghiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Bộ LĐ-TB&XH còn chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực cai nghiện ma túy.

Năm 2018, theo báo cáo của các địa phương, tổng số người đang được điều trị cai nghiện là 33.724 học viên (cai nghiện bắt buộc là 25.302 học viên; cai nghiện tự nguyện là 5.108 học viên; quản lý tại cơ sở xã hội là 3.314 học viên).

Kết quả thực hiện Quyết định số 29/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay vốn đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương tại 15 tỉnh, thành phố, đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỉ đồng. Trong đó, hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 153/504 hồ sơ. Đã đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ về tư vấn điều trị cai nghiện ma túy cho 480 cán bộ quản lý là lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, chi cục phòng chống tệ nạn xã hội...

Về tăng cường nguồn lực cho công tác cai nghiện từ năm 2016-2018, theo Bộ này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 565 ngày 25/4/2017), trong đó có Dự án Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán (Dự án 4).

Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương bố trí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các cơ sở cai nghiện tại các địa phương thông qua Dự án 4 là 122,5 tỉ đồng. Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã giao 101,7 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2018 đã giao cho các địa phương là 61,7 tỉ đồng, đạt 60% kế hoạch trung hạn và đạt 49,8% so với số vốn được phê duyệt của Dự án 4.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương cũng đã bố trí vốn sự nghiệp thông qua Dự án 4 trong 3 năm 2016-2018 là 159,6 tỉ đồng, trong đó có nội dung hỗ trợ các địa phương thực hiện các mô hình cai nghiện, hỗ trợ các điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ 103,1 tỉ đồng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn thông qua Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2018.

Giai đoạn 2016-2018, các địa phương bố trí cho công tác sửa chữa, nâng cấp thường xuyên cơ sở cai nghiện ma túy là 435 tỉ đồng. Một số tỉnh, thành phố quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ chính sách cho cán bộ, học viên như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị đến cơ quan chức năng Trung ương, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, đảng, chính quyền về người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính để phù hợp với quan điểm của Đề án đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định số 2596 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện và nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện và thực hiện quyền công dân.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>