Tiếp tục có những chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

21/11/2019 | 17:56 GMT+7

Báo cáo gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Vùng đồng bào DTTS ở Hậu Giang luôn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất.

Để góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, Ủy ban Dân tộc đã và đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng một số đề án chính sách, trong đó tập trung vào một số vùng, nhóm dân tộc đặc thù.

Như Nghị định của Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, qua khảo sát tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở đất ở đồng bằng đang diễn biến hết sức phức tạp; các hộ sinh sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và bãi ngang ven biển có nguy cơ bị mất đất ở và sản xuất; nhà ở của hộ nghèo đã bị xuống cấp hoặc hư hỏng hoàn toàn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, tài sản, nhất là nguy cơ làm tốc mái, sập nhà, ngập lụt do ảnh hưởng của thiên tai; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh thấp.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên của đồng bào, thực hiện Nghị quyết số 120 ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, đề xuất xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ cho đồng bào DTTS nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long về đất ở, nhà ở kiên cố có khả năng chịu được tác động của thiên tai; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo không có đất sản xuất, có nhu cầu chuyển đổi nghề;… với mức hỗ trợ ưu đãi hơn so với các chính sách hiện hành nhằm giúp đồng bào yên tâm phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

Và Đề án Bảo vệ và phát triển DTTS dưới 10.000 người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc.

Mặc dù đã được thụ hưởng các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhưng hệ thống an sinh xã hội và công tác chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào DTTS rất ít người vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng suy thoái giống nòi, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tuổi thọ trung bình tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với các dân tộc khác; nguy cơ mất thành phần một số dân tộc rất ít người trong cộng đồng 54 dân tộc là cao (như các dân tộc La Ha, Ơ Đu, Brâu,…).

Để giải quyết tình trạng nêu trên, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án Bảo vệ và phát triển DTTS dưới 10.000 người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc với các giải pháp.

Như tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi nhằm bảo vệ và phát triển các dân tộc ít người; nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng dân tộc về cung cấp dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; hỗ trợ dinh dưỡng, nâng cao tỷ lệ trẻ em đến lớp ở các nhóm tuổi mẫu giáo, tiểu học; xây dựng mô hình thí điểm nâng cao chất lượng dân số ở một số dân tộc có dân số dưới 10.000 người…

Công tác dân tộc đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS

Báo cáo các mặt công tác dân tộc của Chính phủ nêu rõ: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND các địa phương vùng DTTS, miền núi; có sự phối hợp giữa cơ quan công tác dân tộc với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện trong chỉ đạo, thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Kết quả thực hiện công tác dân tộc đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cơ quan công tác dân tộc các cấp tập trung thực hiện vai trò tham mưu cho UBND cùng cấp trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc nói chung và chính sách dân tộc nói riêng; chủ động nắm tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; triển khai đầy đủ các chính sách, chương trình, dự án; góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đi vào cuộc sống. 

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>