Tích cực, chủ động trong hoạt động Đoàn đại biểu

13/08/2020 | 19:01 GMT+7

Quốc hội tỉnh thông tin, những tháng cuối năm sẽ tập trung nhiều hoạt động đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu xây dựng luật tại nghị trường.

Tập trung nhiều nhiệm vụ

Đó là chủ động tổ chức cho đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo luật, nghị quyết tại hội nghị, hội thảo do các ủy ban của Quốc hội tổ chức; hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Đồng thời phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với các dự án luật để Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm. Gồm dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật Biên phòng Việt Nam; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn...

Về hoạt động giám sát, Đoàn và đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tham gia hoạt động giám sát, khảo sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại các kỳ họp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn thư của công dân.

Tiếp tục duy trì công tác tiếp dân tại trụ sở Đoàn và Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Xây dựng kế hoạch để đại biểu Quốc hội luân phiên tiếp dân định kỳ theo quy định. Kịp thời xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến theo quy định. Có kế hoạch tổ chức giám sát đối với một số vụ việc đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa thông báo kết quả xử lý theo yêu cầu của Đoàn hoặc chọn giám sát vụ việc gây bức xúc trong dân. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, kiến nghị đối với các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, sẽ tạo điều kiện để đại biểu mở rộng phạm vi và địa bàn tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng mà đại biểu quan tâm, nhất là việc tiếp xúc cử tri ở một số địa bàn cử tri có nhiều bức xúc. Kịp thời tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri một cách đầy đủ, trung thực và gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định.

Nhiều kết quả trong những tháng đầu năm

Những tháng đầu năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hoạt động tích cực, hiệu quả. Cụ thể, Đoàn tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với 10 dự án luật để Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm và một số văn bản quy phạm pháp luật khác theo đề nghị các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức lấy ý kiến của các ngành chuyên môn đóng góp dự án Luật Biên phòng Việt Nam; lấy ý kiến bằng văn bản đối với 4 dự án luật: Luật Cư trú; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến.

Các đại biểu cũng tích cực thực hiện chức năng giám sát thông qua tổ chức hoạt động chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo theo quy định. Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động giám sát năm 2019 của Đoàn; kiến nghị một số nội dung để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong năm 2021.

Đoàn cũng chú trọng xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ tại trụ sở để các đại biểu thực hiện nhiệm vụ tiếp dân theo quy định; đồng thời cử công chức tiếp dân thường xuyên tại Đoàn và Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Theo đó, 6 tháng đầu năm đã tiếp 6 lượt công dân tại trụ sở; nhận 46 đơn, thư của công dân (qua đường bưu điện). Kết quả đã giải thích, hướng dẫn và tham mưu trình lãnh đạo Đoàn xem xét, xử lý 100% đơn (trong đó có hướng dẫn, lưu do trùng lắp, hết hiệu lực hoặc đã có kết quả giải quyết của cơ quan theo thẩm quyền). Bên cạnh đó, lãnh đạo Đoàn cùng lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp giám sát 1 vụ việc tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy.

Những tháng đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp giữa năm được đổi mới bằng hình thức phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phát 3.750 phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9 tại 75 xã, phường, thị trấn (mỗi đơn vị 50 phiếu), ghi nhận 1.249 ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội và HĐND các cấp (có 132 ý kiến, kiến nghị đến Trung ương).

Về giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 8, Đoàn ghi nhận, tổng hợp được 10 vấn đề kiến nghị với Trung ương. Đến nay, Đoàn nhận được 10 văn bản của bộ, ngành Trung ương. Các văn bản trả lời được Đoàn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thông tin công khai rộng rãi tại các điểm khu dân cư, đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Nhìn chung, nội dung trả lời của bộ, ngành và các cơ quan Trung ương đã tập trung giải quyết thấu đáo vấn đề cử tri quan tâm.

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, những tháng đầu năm, Đoàn tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong điều hành công việc; phát huy tốt công tác phối hợp tổ chức kỳ họp thứ 9 (đợt 1); đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của công chức Văn phòng Đoàn. Công tác xây dựng pháp luật được Đoàn thực hiện trên cơ sở tăng cường công tác phối hợp với lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng; việc lấy ý kiến chú trọng hơn đến nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của các dự án luật, kịp thời tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhất là đối với các dự án luật chuyên ngành...

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với các dự thảo luật chủ yếu bằng hình thức gửi văn bản lấy ý kiến (không tổ chức hội nghị tập trung); công tác giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu tập trung qua báo cáo nên việc nắm bắt thông tin đôi lúc chưa đầy đủ. Việc xử lý đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân đôi lúc còn chậm, đơn của công dân ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao. Đa phần đơn đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng công dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến Đoàn nên phải được phân loại, xử lý gây tốn kém thời gian.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>