Tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ

15/03/2019 | 08:16 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được văn bản trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với cử tri Hậu Giang về sử dụng thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ.

Cán bộ trao đổi tại buổi kiểm tra cơ sở giết mổ gia súc ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.

Cử tri nêu kiến nghị:

- Hiện nay, việc sử dụng thuốc an thần trong giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc có chiều hướng gia tăng, đã được phát hiện/xử lý tại một số tỉnh, thành phố và thực tế là thịt heo có dư lượng thuốc an thần vẫn được bày bán tại các chợ như phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ; bổ sung chất Acepromazine (thuốc an thần) vào danh mục thuốc thú y cấm sử dụng trong chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh và giết mổ. Đồng thời, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và bổ sung hình thức buộc tiêu hủy đối với hành vi sử dụng thuốc an thần trong chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

- Về kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ:

Từ đầu năm 2017 đến nay (cuối tháng 12-2018), qua kiểm tra, giám sát, cả nước phát hiện, tiêu hủy 4.648 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ và xử phạt với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 613 triệu đồng (năm 2017, tại cơ sở giết mổ Xuyên Á - Thành phố Hồ Chí Minh với 4.361 con heo bị tiêu hủy; năm 2018, có 287 con heo bị tiêu hủy).

Trước tình hình trên, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều văn bản chỉ đạo (Chỉ thị số 13 ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 3005/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra về việc tiêm thuốc an thần, bơm nước vào động vật trước khi giết mổ; Công văn số 8350/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ), trong đó, đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện trên phạm vi địa phương quản lý.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc an thần theo đúng mục đích, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y rút đăng ký lưu hành của 7 công ty có vi phạm (tự nguyện xin rút); đề nghị các công ty: Tân Tiến; Vemedim và Minh Long tạm ngừng nhập khẩu và bán thuốc an thần còn tồn kho ra ngoài thị trường trong thời gian 1 năm; đề nghị Công ty Vemedim xuất khẩu số thuốc an thần còn tồn trong kho của công ty; phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ số thuốc đã bán ra thị trường phải sử dụng đúng mục đích; giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các công ty sản xuất, kinh doanh và các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc an thần sử dụng trong thú y.

- Về bổ sung chất Accpromazine (thuốc an thần) vào danh mục thuốc thú y cấm sử dụng trong chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh và giết mổ:

Hoạt chất Accpromazine là loại thuốc an thần được phép sử dụng trong thú y với công dụng: chống co giật, an thần, giảm đau, chống stress, trị viêm da, mẩn ngứa cho động vật; được ghi trong Dược điển Anh 2017 và Dược điển Mỹ - USP 40-2017 và đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, Canada, Úc, Hà Lan... cho phép sử dụng trong thú y. Thuốc an thần có chứa hoạt chất Acepromazine được đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo quy định hiện hành, đồng thời đã và đang sản xuất, xuất khẩu sang các nước như Singapore, Malaysia, Myanmar, Srilanka, Libya...

Nếu chỉ căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật về thú y (sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y) để đưa thuốc an thần vào Danh mục thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam là chưa có cơ sở mà chỉ xử lý hành chính về hành vi nêu trên hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

- Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và bổ sung hình thức buộc xử lý tiêu hủy đối với hành vi sử dụng thuốc an thần trong chăn nuôi:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, sửa đổi, bổ sung tại khoản 10, điểm d khoản 13 Điều 20 tăng tối đa mức tiền phạt và bổ sung biện pháp phạt buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm “vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền”.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>