Những kết quả nổi bật tại Kỳ họp thứ 6

21/12/2018 | 06:57 GMT+7

(Tiếp theo)

3.2. Về 6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến

- Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp về giảm mức tiêu thụ, giảm tác hại, quản lý việc cung cấp rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 6 thông qua.

- Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Quốc hội đã tập trung thảo luận về: tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; chính sách của Nhà nước trong phát triển kiến trúc; quản lý kiến trúc, trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, phối hợp giữa kiến trúc và văn hóa; trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình...

- Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình Quốc hội theo hướng mở rộng phạm vi sửa đổi; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; xác định rõ các loại hình cơ sở giáo dục và chủ thể thành lập nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường; bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với người dạy và người học, các quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... Quốc hội đã quyết định xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

- Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội theo hướng bổ sung 3 chương về: nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế, đại lý hải quan. Quốc hội đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung như: phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong quản lý thuế; các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, xóa nợ tiền thuế; cung cấp dịch vụ đại lý thuế; nguyên tắc về quản lý thuế, hóa đơn, chứng từ; kê khai thuế; nộp thuế; xử lý vi phạm pháp luật về thuế; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế...

- Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung như: phạm vi điều chỉnh; thời gian thông qua luật; quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; chế độ lao động của phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động; tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại;... Quốc hội quyết định mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách về: quy định chung, quản lý dự án, quản lý kế hoạch đầu tư công. Quốc hội tập trung thảo luận về: phạm vi sửa đổi; phân loại và quy trình, thủ tục với từng loại nguồn vốn đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia; phân cấp thẩm quyền của các cơ quan trong thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; thẩm quyền, quy trình lập, phê duyệt, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm…

3.3. Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

4. Chất vấn và trả lời chất vấn

Quốc hội đã xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Đây được coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp. Tổng cộng có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 19 bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu.

5. Lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

6. Xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan nhà nước và các báo cáo khác theo quy định

Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan: Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của các báo cáo và cho rằng, các cơ quan đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.

7. Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã đánh giá tổng quan về kết quả kỳ họp và quyết định một số vấn đề: điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian hai năm kể từ ngày 01/2/2019; giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>