Những kết quả nổi bật tại Kỳ họp thứ 6

14/12/2018 | 07:44 GMT+7

(Tiếp theo)

3. Xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết

Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế...

Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

3.1. Về 9 dự án luật, 1 nghị quyết được Quốc hội thông qua

- Luật Chăn nuôi được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Luật gồm 8 Chương, 83 Điều, quy định về: nguyên tắc hoạt động, chiến lược phát triển, chính sách của Nhà nước về chăn nuôi; giống và sản phẩm vật nuôi; thức ăn chăn nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm vật nuôi; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi...

- Luật Trồng trọt được ban hành nhằm tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Luật gồm 7 Chương, 85 Điều, quy định về: nguyên tắc hoạt động, chiến lược phát triển trồng trọt; giống cây trồng, phân bón, canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt...

Đại biểu Đặng Thế Vinh (đứng), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh), thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

- Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; hạn chế tối đa tình hình lộ, mất thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước... Luật gồm 5 Chương, 28 Điều, quy định về: phạm vi, danh mục, việc ban hành bí mật nhà nước; các hoạt động sao, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn bảo vệ và gia hạn bảo vệ bí mật nhà nước; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng bí mật nhà nước...

- Luật Cảnh sát biển Việt Nam được ban hành nhằm khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển và chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không thuộc lực lượng Quân đội nhân dân và Cảnh sát nhân dân. Luật gồm 8 Chương, 41 Điều, quy định về: vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, biện pháp công tác, quyền hạn, phạm vi hoạt động và các biện pháp thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển; sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và điều kiện được nổ súng quân dụng trong thi hành nhiệm vụ; hệ thống tổ chức, chế độ chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

- Luật Công an nhân dân được sửa đổi toàn diện, bổ sung nhiều nội dung cụ thể hóa quan điểm của Đảng làm cơ sở pháp lý để đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy và phân cấp thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật gồm 7 Chương, 46 Điều, trong đó, phạm vi điều chỉnh đã bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ; bổ sung một số quy định về công nghiệp an ninh, hạn tuổi phục vụ cao nhất của Hạ sĩ quan, nữ sĩ quan cấp tướng trong Công an nhân dân, việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ; không quy định cụ thể các vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng mà chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí, số lượng để giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định cho phù hợp với Hiến pháp...

- Luật Đặc xá được sửa đổi toàn diện, gồm 6 Chương, 39 Điều, trong đó, vẫn giữ nguyên hai phương thức thực hiện đặc xá là đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của đất nước, về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước đã tập trung sửa đổi, bổ sung về đối tượng được đề nghị đặc xá; quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định về đặc xá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá...

- Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi toàn diện, gồm 11 Chương, 97 Điều với những sửa đổi quan trọng như: mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội có huy động đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện; mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; thu hẹp một bước cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của công dân, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng...

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành để sửa đổi, bổ sung các quy định về: quản trị đại học; hoạt động đào tạo; quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo hướng phân định giữa quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học và quản trị trong mỗi cơ sở giáo dục đại học... Đồng thời, thay đổi cơ chế quản lý tài chính, tài sản bảo đảm thông thoáng và hiệu quả; thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học...

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019.

Theo đó, Luật đã sửa đổi tên các quy hoạch để bảo đảm phù hợp với tên quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của Luật Quy hoạch; sửa đổi các luật có quy định về các loại quy hoạch không phù hợp với khái niệm quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch; sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh một số quy hoạch; bãi bỏ quy định sử dụng quy hoạch làm điều kiện cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ...

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch để bảo đảm thực hiện Luật Quy hoạch.

- Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan: Việc phê chuẩn CPTPP có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Thông qua việc phê chuẩn này, Quốc hội nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm tương thích với các cam kết. Chính phủ chủ động nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Hiệp định đến các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội, lợi ích mà hiệp định đem lại. Cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu, nắm chắc các quy định của CPTPP, đẩy mạnh cải tiến, đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững và phát triển trong điều kiện mới.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>