Nêu nhiều vấn đề về công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT

15/11/2019 | 07:55 GMT+7

Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu nhiều vấn đề về công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Trạm thu phí BOT Phụng Hiệp - Cần Thơ.

Về rà soát vị trí đặt trạm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến các tồn tại, vướng mắc tại các trạm thu phí và kiến nghị hướng xử lý.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động, tích cực làm việc với bộ, ngành, các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý bất cập tại các trạm, cơ bản bất cập được giải quyết (dừng thu phí tại 2 trạm Đèo Ngang và tránh Hà Tĩnh do hết thời gian hợp đồng; không thành lập trạm Nam Hải Vân, sử dụng trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án; chuyển trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng) và đang xử lý thu phí ổn định.

Hiện còn 4 trạm đang phải tiếp tục xử lý gồm:

2 trạm có vị trí nằm ngoài phạm vi dự án do lịch sử để lại (trước đây, các trạm này đang thu phí để nộp ngân sách, Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng quyền thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT thay vì nộp ngân sách nhà nước) gồm trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và trạm Bỉm Sơn - Thanh Hóa (hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu phương án phù hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ).            

Để xử lý triệt để, dứt diểm các bất cập của các trạm thu phí, Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, rất khó khăn để cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

2 trạm Cai Lậy và trạm Thái Nguyên - Chợ Mới: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát, giải quyết triệt để các vướng mắc, bất cập nhằm có hình thức thu phí phù hợp.

Về chính sách miễn,giảm giá

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, hình thức thu lượt (thu hở) tại các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ hiện nay không thể đảm bảo được sự công bằng tuyệt đối đặc biệt là đối với người dân xung quanh các trạm thu phí, vì về nguyên tắc phương tiện đi qua trạm phải trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, tuy nhiên thực tế các phương tiện lưu thông trong khoảng giữa hai trạm không phải trả tiền.

Đến nay, toàn bộ các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá, trong đó đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 39 dự án.

Trong hợp đồng dự án Bộ Giao thông Vận tải ký kết với nhà đầu tư, chỉ số giá và phương án tài chính có thỏa thuận mức giá 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%/3 năm, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng, tuy nhiên do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá nên Bộ Giao thông Vận tải chưa tăng giá theo lộ trình đã ký trong hợp đồng.

Theo tính toán sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư.

Công tác quản lý doanh thu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, theo đó đã có quy định về quản lý doanh thu thu phí: “Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu giá phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá, bao gồm: tên dự án, tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư cập nhật theo giá trị quyết toán nếu dự án đã được quyết toán), tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu giá tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu giá”.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân để hoàn thiện Thông tư thay thế Thông tư 49 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí, nhằm đảm bảo việc quản lý doanh thu minh bạch, chính xác và khách quan hơn…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>