Hỗ trợ ngành điện hoàn thành trọng trách

17/05/2019 | 08:21 GMT+7

Để thực hiện được điều đó, Trung ương cần tạo điều kiện cho ngành điện tiếp cận vốn phục vụ cho sự phát triển lưới điện quốc gia trong thời gian tới.

Cử tri băn khoăn tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì sức ép chịu đựng của các doanh nghiệp và người dân.

Cho rằng ngành điện đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nhất là theo dự báo nhu cầu tăng điện khoảng 14-15% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2025, nên cử tri Hậu Giang nhận định cần phải huy động nguồn vốn rất lớn để đầu tư mới đảm bảo cho sự phát triển lưới điện quốc gia trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì sức ép chịu đựng của các doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến lạm phát.

Do đó, nhằm giúp đảm bảo cho ngành điện có nguồn vốn để đầu tư, cử tri Hậu Giang đã kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho (các doanh nghiệp) tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt là vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ nguồn vay ưu đãi nước ngoài - PV) đa phương và song phương, các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành hỗ trợ cho vay đối với các dự án của ngành điện tạo điều kiện cho (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao.

Làm rõ vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã huy động một lượng lớn nguồn lực vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển song phương để đầu tư phát triển ngành năng lượng. Ngoài các khoản vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho phát triển ngành điện đến nay khoảng 9.617 triệu USD, chiếm khoảng 53% trong tổng số dư nợ Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại.

Dù việc tập trung cho vay lại quá nhiều chỉ cho một lĩnh vực là rủi ro cho danh mục nợ của Chính phủ nhưng Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã tạo điều kiện huy động vốn với mức độ ưu tiên cao nhất đối với lĩnh vực điện. Bên cạnh đó, trong các năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và mức độ tín nhiệm của Việt Nam được nâng cao, ngành điện đã bắt đầu thực hiện một số khoản vay thương mại trong nước không có bảo lãnh Chính phủ. Điều này cho thấy, ngành điện hoàn toàn có thể đi vay thương mại và chấp nhận được với lãi suất thị trường.

Cũng theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi - PV) của Ngân hàng thế giới từ ngày 1/7/2017 và tốt nghiệp ADF (không được vay với lãi suất ưu đãi - PV) của Ngân hàng Phát triển Châu Á từ ngày 1/9/2018. Nguồn vốn ODA và vay ưu đãi giảm dần, tiến tới vay thương mại hoàn toàn theo điều kiện thị trường.

Đồng thời trong bối cảnh trần nợ công đang sát ngưỡng giới hạn cho phép, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 1, khoản 1, Điều I, Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 “Nghiên cứu áp dụng cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của WB (Ngân hàng thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác không cần bảo lãnh của Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chủ động nguồn lực tài chính, nghiên cứu vay vốn theo phương thức tự vay, tự trả trên thị trường trong nước hoặc quốc tế, không có bảo lãnh Chính phủ để đảm bảo cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>